Góp ý-kiến về bài của ông Trương Văn Chình
Tôi cảm-động mà được thấy mấy bạn thanh-niên tân-học, nơi phương-trời xa-xăm, đã để tâm khảo-cứu ngôn-ngữ nước nhà. Với kiến-văn quảng-bác, áp-dụng lề-lối nghiên-cứu khoa-học, nhờ thêm được máy-móc tinh-vi của mấy viện khảo-cứu Tây-phương, các bạn ắt sẽ rọi sáng được thêm cho ngành ngữ-học mới thành-lập của Việt-Nam, và nhờ đó, nâng cao tinh-thần dân-tộc, xuyên qua ngôn-ngữ văn-tự. Nên chi, khi ông Trương-Văn-Chình có nhã-ý cho tôi xem bức thư của ông Trần-Văn-Toàn, và đồng thời nhờ tôi góp ý-kiến, tôi không quản tài hèn, hăm-hở nhận lãnh. Không phải nhà ngữ-học chuyên-môn, và cũng chẳng rành khoa âm-nhạc, về thực-tế, vì gốc người miền Nam, tôi vẫn phát-âm sai be-bét, vì thế, tôi không thể vin vào kinh-nghiệm riêng mình để chứng-minh lời giải-thích, tôi xin dựa vào những khảo-cứu của các bậc tiền-bối mà góp ý-kiến, may ra sẽ giúp-ích được ông Toàn phần nào.
Tôi cảm-động mà được thấy mấy bạn thanh-niên tân-học, nơi phương-trời xa-xăm, đã để tâm khảo-cứu ngôn-ngữ nước nhà. Với kiến-văn quảng-bác, áp-dụng lề-lối nghiên-cứu khoa-học, nhờ thêm được máy-móc tinh-vi của mấy viện khảo-cứu Tây-phương, các bạn ắt sẽ rọi sáng được thêm cho ngành ngữ-học mới thành-lập của Việt-Nam, và nhờ đó, nâng cao tinh-thần dân-tộc, xuyên qua ngôn-ngữ văn-tự. Nên chi, khi ông Trương-Văn-Chình có nhã-ý cho tôi xem bức thư của ông Trần-Văn-Toàn, và đồng thời nhờ tôi góp ý-kiến, tôi không quản tài hèn, hăm-hở nhận lãnh. Không phải nhà ngữ-học chuyên-môn, và cũng chẳng rành khoa âm-nhạc, về thực-tế, vì gốc người miền Nam, tôi vẫn phát-âm sai be-bét, vì thế, tôi không thể vin vào kinh-nghiệm riêng mình để chứng-minh lời giải-thích, tôi xin dựa vào những khảo-cứu của các bậc tiền-bối mà góp ý-kiến, may ra sẽ giúp-ích được ông Toàn phần nào.
Ông Toàn có sáng-kiến nêu ra một khía-cạnh mới là vịn vào dấu-nhạc để khảo-sát các thinh tiếng Việt. Khác với mấy nhà ngữ-học tiền-bối cũng đã vịn vào sáu giọnh đờn Tây-phương để đối chiếu với các thinh Việt, ông theo âm-nhạc-học mà định tánh-chất các loại thinh «đơn» và «thinh kép», rồi dựa vào vị-trí âm-giai và những điều-kiện tất-yếu của mỗi thành-phần thinh kép để sắp lại các giọng của tiếng mẹ-đẻ. Tiếng-Việt, theo ông, có sáu thinh, trong lúc phần đông cho đến tám thinh, bởi tiếng Việt có vần nhập, chớ không có thinh nhập. Sáu thinh sắp theo đơn, kép chớ không sắp theo bổng, trầm. Thinh mà phần đông gọi là nặng nhập, không cùng một dấu-nhạc như dấu nặng, nhưng lại ở một dấu-nhạc như dấu huyền, vì thế, thí-dụ chữ một, thay vì viết với dấu nặng như xưa nay, ông thấy nên viết với dấu huyền : mồt.
Suốt lập-luận mạch-lạc của ông, tôi thấy ông chỉ đứng có một phương-diện âm-nhạc để khảo-sát và lập hệ-thống cho các thinh Việt. Nếu chỉ theo ròng một phương-diện âm-nhạc, thì ai cũng biết, tiếng nước nào cũng phổ ra nhạc được hết, dẫu rằng không có âm-điệu bổng, trầm như tiếng Việt. Những thinh Việt ngoài tánh-chất nhạc còn có giá-trị tác-dụng, tác-dụng từ-ngữ, tác-dụng theo niêm-luật, và tác-dụng theo thuận-thinh-âm.
Về ngữ-học, mỗi âm-thể đều được xét theo phương-diện miêu-tả, phương-diện tác-dụng và phương-diện tiến-hoá.
Trong hai tiếng át và tá, hai giọng sắc đó, theo ông Toàn, chỉ cùng ở một dấu-nhạc, dấu sắc-nhập cũng đọc cao như dấu sắc ; nhưng, về phương-diện thẩm-âm, ta nghe tiếng át với á của tiếng tá khác nhau : một thinh cao mà một bị chận thối vô (nhập) và một thinh cao mà tủa đi lên (khứ).
Trong tiếng atta hai phụ âm t (của at và của ta), theo phương-diện phát-âm-học thì cũng đều đồng cách phát-âm (tắc-âm : occlusive) và đồng chỗ phát-âm (âm nớu hoặc răng : alvéolaire ou dentale), và cũng đồng loại phụ-âm thanh (consonne sourde đối với phụ-âm trọc, consonne sonore). Nhưng các nhà ngữ-học Tây-phương còn vịn theo luồng-âm bị chận thối vô hoặc bị chận tạm rồi thoát ra mà gọi t của at là implosive (tôi tạm dịch là nhập tắc-âm, occlusive explosive) và t của ta là explosive (tôi tạm dịch là thoát tác-âm). Những nhập tác-âm của người Tây-phương tức là những vận nhập của tiếng ta.
Trong vận nhập vì luồng-âm bị chận thối trở vô nên thinh sắc của nó có muốn lên cao như thinh sắc khứ cũng không thể được, có lẽ vì vậy mà người ta phải đặt thêm giọng sắc nhập (nhập thinh), và như thế tiếng Việt có được tám thinh (1) thay vì sáu.
Đứng về phương-diện nhạc, cố Alexandre de Rhodes cũng đã viết : « Tiếng Annam có sáu giọng ăn với giọng đờn của ta lắm. » (... celle de l'Annam en a six, fort correspondants aux tons de notre musique...). Và sau khi giải-thích tánh-chất phát-âm của sáu thinh, ba thinh phát-âm dễ-dàng : huyền, ngang, sắc ; ba thinh phát-âm hơi khó-khăn phải rán từ trong ngực : nặng, ngã, hỏi, nên Cố đã lựa những tiếng thí-dụ thế nào cho sắp thành âm-giai : do, ré, mi, fa, sol, la. Các tiếng ấy là : dò (cái bẫy), rệ (rễ cây), mĩ, pha (pha trộn), sổ (2) (cuốn sổ), lá (lá cây). (Et ainsi ces six accents peuvent répondre aux six tons de notre musique : dò, rẹ, mĩ, pha, sỏ, lá.)
Ông Phan-Văn-Hùm thì dẫn tài-liệu của cố Alexandre de Rhodes để viết bài Dấu hỏi, dấu ngã (Phụ-nữ tân-văn, số 251, ngày 26-7-1934) còn cẩn-thận nhờ ông Lê-Quang-Tỉnh, sinh-viên trường âm-nhạc ở Paris, vẽ cho cái biểu như sau :
...
Rồi ông Hùm giải nghĩa thêm : « Ở trong cái âm-giai đã vẽ trên đây, người ta thấy giọng ngã thấp hơn giọng hỏi hai bực (giai), còn giọng ngã với giọng nặng gần kề nhau ».
Trong ba giọng khó nói kể trên, hai giọng hỏi và ngã lại đồng tánh-cách « ủy-khúc ». Trong bài Để cho người Việt phương Nam phân-biệt hỏi ngã, đăng trong tuần-báo Thanh-niên, số 38, ngày 26-8-1944, ông Phan-Văn-Hùm có trích dịch lời giải-thích của cố Alexandre de Rhodes : « Giọng thứ ba là giọng gãy chìm mà họ phát ra có hơi đè xuống rồi đỡ lên, và rán đưa hơi từ trong ngực ra, chúng tôi ghi giọng ấy với dấu gãy của người Hy-Lạp ». (Le troisième est le circonflexe grave, qu'ils expriment avec quelque inflexion de voix, et un peu d'effort de poitrine, et nous le marquons avec l'accent circonflexe des Grecs). « Giọng thứ năm cũng là giọng gãy, nhưng dịu hơn, mà họ phát ra cũng như ta lên giọng hỏi. Chúng tôi cũng ghi giọng ấy với dấu chấm-hỏi của người Latin. » (Le cinquième est encore circonflexe, mais plus douxm qu'ils expriment comme nous faisons l'interrigation ; at nous le marquons aussi avec le point d'interrogation des Latins).
Hai giọng hỏi với ngã khác nhau như thế. Ông Nguyễn-Trọng-Thuyết, giáo sư ở trường trung-học Nam-Vang, trong một bài báo, có dạy đọc như vầy : « Giọng ngã là nặng với sắc ghép lại ; giọng hỏi là huyền với sắc ghép lại. »
Ông Hồ-Hữu-Tường lại chỉ cách đọc khác hơn một chút trong quyển Phép nói và viết hỏi ngã (3); ông cho tiếng Việt có bốn thanh thuần và hai thanh biến.
« Thanh thuần là những thanh có tính-cách đơn thuần, và giữ mãi tính-cách từ đầu đến cuối :
1) Những tiếng luôn luôn giọng ngang nhau (không dấu) ;
2) Những tiếng luôn luôn giọng cất cao lên mà ta có thể viết không dấu (cach, ơt) hoặc phải viết với dấu sắc ;
3) Những tiếng luôn luôn giọng kéo dài xuống (dấu huyền) ;
4) Những tiếng giọng rớt xuống rồi dừng liền, (dấu nặng) ;
« Ở khắp cõi Việt-Nam ai cũng nói được bốn thanh nầy.
« Những thanh biến không giữ mãi một tính-cách. Khi phát tiếng ra thì ban đầu theo tính-cách nầy, rồi liền sang tính-cách khác.
1) Hoặc mới phát ra, giọng đưa lên, rồi biến thành đưa xuống ; ấy là những tiếng phải đánh dấu hỏi ;
2) Hoặc mới phát ra, giọng cho xuống rồi biến thành cho lên ; ấy là những tiếng phải đánh dấu ngã.
« Những người từ Thanh-Hoá trở ra đều phân-biệt được như vậy. Bởi vì, khi nói họ để luồng hơi ra lâu, có thời-giờ mà biến thanh rõ-ràng được. Những người từ Nghệ-Tịnh trở vào, đều nói không được. Bởi vì, khi nói, họ cho luồng hơi qua mau quá, không có thời-giờ mà biến thanh cho kịp.
« Tuy người đàng ngoài nói đúng hỏi, ngã song không phải địa-phương nà cũng nói y như nhau. Ví-dụ về giọng hỏi. Có nơi thì nói phần đưa giọng lên nhiều, phần đưa giọng xuống ít. Có nơi thì trái lại, đưa giọng lên ít, đưa giọng xuống nhiều. Vì vậy, mỗi vùng có giọng đặc-biệt của mình. Nhưng dầu thế nào, cũng theo đúng tuần-tự lên xuống.
« Về giọng ngã, thì theo đúng tuần-tự xuống-lên.
« Dựa vào thời-gian làm thứ nguyên để độ cách biến-chuyển của hai thanh ấy thế nào, chúng ta thấy hai thanh ấy biến theo hai chiều nghịch nhau luôn, »
Nhiều nhà ngữ-học còn giải-thích khác nữa. Nhưng dầu sao, về phương-diện bổng trầm, Cha Léopold Cadière, trong quyển Phonétique annamite. Dialecte du Haut-Annam (Publication de l'Ecole Française d' Extrême-Orient, volume III), nơi lời chú trang 89, viết như vầy : « qu'il suffise de dire que 'laccent plain, le sắc et le hỏi se font sur une même note élevée, tandis que le huyền, le nặng et la ngã se font sur une même note, mais beaucoup plus basse ; les uns et les autres renferment des des inflecxions de voix caractéristiques ». (Chỉ cần nên nói rằng giọng ngang, sắc, hỏi được phát ra đồng một cung bổng, còn huyền, nặng, ngã được phát ra đồng một cung, mà trầm hơn nhiều ; những giọng của mỗi cung đều gồm có giọng uốn-chuyển cao thấp đặc-biệt).
Mấy trích-dẫn trên chứng-giải rằng giọng hỏi là giọng bổng, giọng ngã là giọng trầm.
Còn một cách nữa mà ai cũng có thể thí-nghiệm được. Bởi các thinh nghe phát tại cổ-họng nên tánh-cách của các thinh đi đôi với sự cử-động của nhuyễn-cốt thyroïde, thường gọi là « trái cổ ». Để ngón tay nơi cổ, ngang đầu cuống họng ; khi nói các giọng ngang, hỏi, sắc thì ta thấy trái cổ trồi lên ; nói các giọng huyền, ngã, nặng thì trái cổ nằm chỗ thường. Nếu nói xen kẽ một giọng bổng một giọng trầm, thí-dụ như nói câu : « Ta đừng tránh sự khổ-não tiếp được trên đời » thì sẽ thấy trái cổ trồi lên thụt xuống xen kẽ nhau.
Như thế, càng chứng giải ba thinh ngang, hỏi, sắc đồng tánh-cách phát-âm và đồng ở một cung bổng với nhau ; ba thinh huyền, ngã, nặng cũng đồng tánh-cách phát-âm và đồng ở một cung trầm hơn, như Cha L. Cadière đã viết.
Ông Toàn vịn vào tánh-chất của các thinh đơn và kép mà cho rằng không có thinh nhập. Bởi với các vận nhập (p, t, ch, c cuối) những âm chính bị cắt cụt không thể uốn éo theo những thinh kép (hỏi, ngã, nặng) vì thinh kép đòi nhiều thời-gian hơn để lèo lên lèo xuống. Có lẽ vì thế mà các vần ấy (vần nhập) chỉ có thể có những thinh đơn (ngang, huyền, sắc). Và không có thinh kép : dấu nặng nhập chỉ là dấu huyền mà thôi.
Vì khi xưa dùng lẫn-lộn danh-từ « bằng », « trắc » : tiếng bằng, tiếng trắc ; thinh bằng, thinh trắc, nên ông Nguyễn-Bạt-Tuỵ, trong bài Bàn về « tiếng bằng » và « tiếng trắc » (4) đã viết rằng : « Một tiếng bằng, theo lẽ phải, chỉ là một tiếng có thanh bằng, và một tiếng trắc chỉ là một tiếng có thanh trắc. » Và « những phụ-âm cuối c, ch, p, t (của tiếng trắc) là những âm-miệng và những phụ-âm cuối ng, nh, m, n (của tiếng bằng) là những âm-mũi. »
Và « luật bằng trắc » cổ-nhân đặt ra cho đúng niêm-luật trong thi-ca chỉ dùng để gọi những tiếng có thinh bằng (ngang, huyền) phát ra nghe êm tai hơn những tiếng có thinh trắc (hỏi, ngã, sắc, nặng) là những giọng trúc-trắc nghe không êm tai.
Tại sao vần nhập không có thinh hỏi, ngã? Ông Nguyễn-Bạt-Tuỵ, cũng trong bài dẫn trên đã giải-thích :
« Vậy tại sao một tiếng mũi-cuối có đủ sáu thanh mà một tiếng miệng-cuối chỉ có hai thanh, hay nói cho đúng, ba thanh, vì Việt-Nam văn-phạm của (của Trần-Trọng-Kim) bỏ sót thanh ngang mà ta không gặp trong ngữ Việt? Tới nay người ta chỉ biết phân-biệt bằng, trắc, cùng lắm là cao, thấp, nhưng chưa ai nghĩ rằng thanh cũng có thanh mũi, thanh miệng. Vài cuộc thí-nghiệm cho ta thấy rằng trong sáu thanh ngang, huyền, hỏi, sắc, ngã, nặng có ba thanh huyền, hỏi, ngã có hơi-nói đưa lên mũi nhiều nhất.
« Khi phát một vận có âm-miệng cuối như ac, màng-cúa nâng lên mà bịt kín lối thông giữa miệng và mũi. Như vậy ba thanh mũi huyền, hỏi, ngã cần có khí-trời qua mũi ít hay nhiều, tự-nhiên gặp phải màng-cúa cản lại mà khó phát ra, hay phát ra bằng giọng lơ-lớ. Ta chỉ có : ac, ác, ạc. (5)
« Trái lại, khi phát một vận có âm-mũi cuối như ang, màng-cúa hạ xuống cho miệng thông với mũi, khiến dù thanh-miệng hay thanh-mũi, không thanh nào bị cản-trở cả. Ta có đủ : ang, ảng, áng, àng, ãng, ạng. »
Như thế, ta thấy điều-kiện tất yếu cho các thinh-nhập là đường thoát ra, chớ không phải thời-gian cần dùng như ông Toàn đã hiểu và ghép theo lập-luận của ông.
Ông Toàn viết : « Phân biệt nặng với nặng nhập là phải, nhưng sao lại không đánh dấu huyền thay vào dấu nặng nhập : mồt », vì « dấu nặng nhập của chữ một không cùng một dấu-nhạc như dấu nặng của chữ ruộng nhưng lại ở một dấu-nhạc như dấu huyền. » Ông phân-tách thinh kép nặng là « ngang xuống trầm một chút. » Chúng tôi lại thấy thinh kép nặng là thinh huyền mà sụt xuống rồi dừng liền, nếu dùng « thinh đơn » để tượng-trưng thì là « thinh ngang mà dứt gọn », nghĩa là nặng là huyền với ngang dứt gọn : nằng-ăng (6) ; và một là : mồ-ôt nói thật mau. Nhưng thinh nặng nhập còn khác với thinh nặng nhập còn khác với thinh nặng khứ vì, như đã giải-thích ở đoạn trước, luồng-âm bị chận thối vô trong, sau khi dứt gọn sụt xuống.
Như vậy thì không làm sao thay dấu huyền cho dấu nặng nhập được.
Về điểm ông Toàn hỏi « cổ-nhân đã theo luật nào để đặt luật bằng trắc » thì đúng như ông Toàn đã nhận thấy « có lẽ cổ-nhân không theo âm-nhạc khi đặt luật bằng trắc trong thi-phú và trong khi phân-biệt các thinh. » Có lẽ cổ-nhân đã đứng về phương-diện tác-dụng, - phương-diện thẩm-âm, - là theo luật thuận-thinh-âm (loi d'euphonie), kể khi các thinh có tác-dụng chung kế nhau.
Ông Toàn chỉ đứng ròng một phương-diện nhạc mà khảo-xét và sắp loại các thinh Việt.
Ngoài tánh-cách « đơn, kép », « thuần, biến », « bổng, trầm », « cao, thấp », « bằng, trắc », « thinh mũi, thinh miệng », người ta còn xét chỗ đối-nghịch (opposition) của mỗi cặp thinh đồng tánh-chất, vịn nơi điểm thích-đáng (traits pertinents) :
- loại bằng (égal ou plain), cao : ngang ; thấp : huyền.
- loại lên (montant ou ton mélodique), uốn khúc mà lên, cao : sắc ; thấp : hỏi ;
- loại gãy (rompant ou ton glottal), uốn khúc mà đè như gãy xuống, cao : ngã ; thấp : nặng (7) ;
- loại uỷ-khúc hay loại biến (circonflexe ou infléchis) cao hoặc bằng : hỏi ; thấp hoặc trầm : ngã.
(Danh-từ cao, thấp cò nghĩa tương-đối, danh-từ bổng, trầm có nghĩa tuyệt đối).
Tự-điển Trung-Hoa thì sắp làm bốn loại thinh, theo bực thanh, cao rõ và bực trọc, đục và chìm, đối chiếu với giọng Hán-Việt như vầy :
Với thinh mà họ cũng dùng thanh, trọc để gọi vì trong tiếng Tàu (tiếng Hán-Việt) thinh với âm khởi-đầu lại có liên quan mật-thiết với nhau, mà ông Henri Maspéro thấy có một hệ-thống là những thanh âm thuộc thanh thinh, những trọc âm thuộc trọc thinh. (8) và tôi gọi là luật thanh-trọc. Luật nầy được chứng-minh trong phương-pháp phiên-thiết của tự-điển Trung-Hoa : « Những tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng một nguyên-âm, phụ-âm thanh (aspirées sourdes) đều là những tiếng thuộc giọng bổng : không dấu, dấu hỏi, hoặc dấu sắc ; những tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng phụ-âm trọc, hoặc tỵ-âm đều là những tiếng thuộc giọng trầm : dấu huyền, dấu ngã, dấu nặng. » Đây là nguyên-tắc đại-cương ; với thời-gian tiếng Hán-Việt biến-đổi, phải nhờ luật phiên-thiết của tự-điển Trung-Hoa mới định bực thanh trọc được. Tôi có dẫn-giải khá rành-rõ trong quyển Chánh-tả Việt-ngữ, quyển II. Phần thinh. Tôi sở-dĩ nhắc lại đây cốt-ý tỏ rằng phải đứng nhiều phương-diện để xét ngôn-ngữ, bởi luật bổng trầm chỉ áp-dụng cho tiếng nôm, cũng như luật thanh-trọc chỉ áp-dụng cho tiếng Hán-Việt.
Nhưng dầu với luật bổng trầm hay luật thanh-trọc, dầu với âm khởi-đầu hay vận cuối, trong tiếng Việt, chúng ta nhận được một hệ-thống căn-bản mà tôi gọi là tinh-thần Việt-ngữ, tóm lược trong nguyên-tắc trụ-cốt là « luật tương-đồng đối-xứng của các âm-thể » : các âm-thể (âm khởi-đầu, vận và thinh) đồng tánh-cách phát-âm và đồng chỗ phát-âm đi chung nhau hoặc đổi lẫn với nhau.
Lẽ cố nhiên, có luật ắt có ngoại-lệ.
Ông G. Haudricourt cũng vịn theo hệ-thống thanh trọc do ông Henri Maspéro nêu ra để viết bài « Về nguồn-gốc các thinh Việt » (De l'origine des tons en vietnamien.- Journal Asiatique. 1954, fasc. 1)
Tóm lại, xét vấn-đề ngôn-ngữ mà chỉ nhìn có một khía-cạnh, sợ không được thấu-triệt chăng. Mong rằng mấy tài-liệu dẫn-chứng nầy sẽ giúp ích thêm cho ông Toàn trong việc khảo-cứu vậy.
LÊ-NGỌC-TRỤ
Đại-Học 6, 11.1958
Chú thích:
(1) Về loại thinh « nhập », tiếng Quảng-Đông lại có tới ba giọng : thượng nhập (tương đối với sắc nhập của ta : át), trung nhập (với ngang của ta : at) và hạ nhập (với nặng nhập của ta : ạt) nên tiếng Quảng-Đông có tới chín giọng.
(2) Bản dịch đăng trong Revue indochinoise năm 1908 (Histoire de Royaume du Tunquin) thì viết rẹ, sỏ, như tôi đã dẫn câu tiếng Pháp.
(3) Tân-sinh, 1950, in bên Pháp, tái bản năm 1957.
(4) Tập kỷ-yếu Hội Khuyến-học Nam-Việt, năm 1952, trang 37-39,
(5) Đúng ra tiếng Quảng-Đông mới có đủ ba giọng nầy, như đã chú ở đoạn trước.
(6) Xem Chánh-tả Việt-ngữ, quyển II, Phần Thinh, trang 54, của tôi mà ông bạn Trương-Văn-Chình không có dẫn ra.
(7) Lê-Văn-Lý. - Le parier vietnamien và Henri Maspéro. - Etudes sur la phonétique historique de la langue annamite.- Les initiales. BEFEO, tome XII, 1912.
(8) « On sait que le système des tons hauts pour les mots à initiales sourdes ou sourdes aspirées et bas pour les mots à initiales sonores ou nasales est absolument général dans les langues d'Extrême-Orient ». H Maspéro.
1 comments:
Chia sẻ tri thức là một điều rất đáng quý, xin cảm ơn blogger đã đưa các bài viết của Cố Giáo Sư Lê Ngọc Trụ lên mạng.
Post a Comment