Giải đáp thắc mắc bạn đọc (Văn 56) / Lê-Ngọc-Trụ

* Bạn Hoàng Yến, Qui-nhơn, hỏi :
1.- Thời xưa, khi các Cụ của chúng ta dùng chữ Nho hay chữ Nôm để làm thơ, căn cứ vào đâu để biết chữ THIÊN vần Bình, chữ ĐỊA vần Trắc. (Giờ đối với chúng ta công việc ấy rất dễ ; chỉ nhìn vào dấu thì sẽ biết được ngay).
2.- Ánh sáng mặt trời có mấy màu, và viết theo thứ tự bằng Pháp-văn như thế nào ?
3.- Rất nhiều người dùng từ « HAY HO » cùng nghĩa với HAY. Ví dụ : « Câu chuyện ông ấy kể nghe HAY HO lạ » cũng như : « Câu chuyện ông ấy kể nghe HAY lạ ». Ông Nghiêm Toản, trong cuốn Luận-văn thị-phạm do Văn-Hiệp xuất-bản, Sài-gòn, có giảng giải : HAY HO trái với nghĩa tiếng HAY. Theo ông thì sao ?

- TRẢ LỜI :
1.- Thời xưa, các cụ dùng bộ Thi-vận tập-thành để biết cách phân loại bình, trắc : thuộc vần bình, những vận thượng bình có 15 vận, từ vận đông đến vận san, và 15 vận hạ bình, từ vận tiên đến vận hàm ; thuộc vần trắc, có vận thượng, 29 vận từ vận đổng đến vận hãm ; vận khứ có 30 vận, từ vận tống tới vận hãm (hạm), và vận nhập có 17 vận, từ vận ốc đến vận hạp. Gồm tất cả 106 vận.
2.- Có 7 mầu, Tây gọi là sept couleurs de l'arc-en-ciel :
1. violet (tím) ; 2. indigo (lam) ; 3. bleu (xanh) ; 4. vert (xanh lá cây) ; 5. jaune (vàng) ; 6. orange (da cam) ; 7. rouge (đỏ).
3.- Tiếng hay ho theo nghĩa của giáo sư Nghiêm Toản, có lẽ lấy theo ý của Đại-nam quấc-âm tự-vị của Paulus Của. Nơi chữ ho trang 423 và 424 : « hay ho, tiếng chê dở ; hay ho chi, chẳng hay chi, cũng là tiếng chê dở. »


* Bạn Lý-thị Đào, Quảng-trị, hỏi :
1. Tôi có đọc Phổ-thông số 160, thấy ông Hồ-hữu-Tường lấy rất nhiều bút hiệu, trong đó có tên « Thuần-Phong ». Vậy Thuần Phong của ông Hồ-hữu-Tường có phải là « Thuần-Phong » đặt vấn đề dịch-giả Chinh-phụ Ngâm-khúc bằng cách dẫn chứng hai bài thơ của Nguyễn-Công Trứ và Ngọc-hân Công-chúa không ? Nếu khác thì Văn có thể cho biết sơ lược về Thuần-Phong thứ hai ?
2. Trong « Đời-mới » tuần báo xuất bản trong những năm 53-54 của chủ nhiệm Trần-văn-Ân và chủ bút Hoàng-thu-Đông, tôi thấy có tên Hà-Việt-Phương, trình bày những tư tưởng của thời đại, nhất là những bài về chủ-nghĩa xã-hội. Vậy ông Hà-Việt-Phương là ai, bây giờ ở đâu ? làm gì ?

- TRẢ LỜI :
1.- Ông Hồ Hữu Tường thường dùng bút hiệu Huân-Phong, nếu có ký Thuần-Phong như trong Phổ-thông, thì cũng không phải là ông Thuần-Phong Ngô-văn Phát, khi trước thời cuộc 1945, bút hiệu là thi sĩ Tố-Phang, tác giả nhiều sách khảo cứu về văn học như : Chinh-phụ ngâm-khúc giảng luận, Cao-bá-Quát và Cao-bá-Nhạ, Trần Tế Xương, Chu Mạnh Trinh, Thi-ca Việt-nam giảng-luận, Khảo-luận về Cung-oán ngâm-khúc, Ca-dao giảng-luận, Phan-văn-Trị, Hồ-xuân-Hương thi-tập, Ngụ-ngôn Việt-Nam, Khả-năng tiếng Việt, Giữa Đồng Tháp Mười, Giảng văn đệ Tam... Ông Ngô-văn Phát người Cần-thơ, có học cùng khoảng thời gian với ông Hồ Hữu Tường. Với bút hiệu Tố-Phang, ông có họa 10 bài thập thủ liên hườn của ông Thượng Tân Thị, bài nầy có đăng trong Thành-ngữ điển-tích của ông Diên-hương Trần Ngọc Án, mục « Khuê phụ thán ». Một số thi phẩm của ông bị tiêu tan trong thời biến cố 1945. Ông hiện còn sáng tác rất nhiều...
2.- Theo chỗ hiểu biết của chúng tôi thì dường như Hà Việt Phương là một bút hiệu của nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, tác giả những cuốn truyện Thằng Cu So, Thằng Kình.., xuất bản thời tiền chiến. Ông Nguyễn Đức Quỳnh hiện ở Sài-gòn và không thấy viết lách gì nữa cả.


* Bạn Nguyễn Cao Ẩn, Mỹ-tho, hỏi :
1.- Làm thế nào để đọc đúng giọng những chữ Tàu La-mã-hóa (thí dụ : Kúng Tzũ, Ssũ-ma Chien, Tao Tê Ching, Chi Wu Lun...) ?
2.- Theo âm HÁN VIỆT, đọc thế nào những chữ Tàu La-mã-hóa sau đây : Kuomintang, Hsũn Tsũ, Li Ssũ, Sih, Shên Tao, Shên Pu-hai, Ch'u Fu, Chien-kwan, Chêng (king), Chi Sun, Shu Sun, Miêng Sun, Huan T'ui, Hsiao, Ti, Sung (state) ?
3.- Chữ YAO, có chỗ dịch là music, có chỗ dịch là sage king of the legendary period. Với hai nghĩa khác biệt đó, chữ ấy đọc và viết - trong Hoa-ngữ - có khác nhau không ?
4.- Những nhân danh, địa danh như Gandhi, Lumumba, Nasser, U Thant, Rangoon, Savanakhet, Kompong Cham, Djakarta... chỉ là những chữ La-mã-hóa hay quốc ngữ họ viết vậy ? Nếu là chữ La-mã-hóa, phải đọc sao cho đúng giọng bản xứ ?
5.- Địa danh Pleime (đọc « me » hay « mê » ?) là tiếng Pháp hay tiếng Thượng ?
6.- Danh từ « lơ », để chỉ người phụ tài xế (aide-chauffeur) do tiếng nào mà ra ?
7.- Có thể tự học chữ Hi-lạp, La-tinh, Pali, Sanscrit được không ? Xin cho biết những sách nào dạy các thứ chữ ấy. Sách có bán ở Sài-gòn không ? Nếu không, có thể gởi mua ở đâu ?

- TRẢ LỜI :
1.- Phải học tiếng quan-thoại, mới phát âm được đúng. Tạm thời có thể dùng quyển tự vị Mathew's Chinese English dictionary, American ed. Cambridge, Harvard University Press, 1956, trong đó có ghi cách phát âm. Chỗ đặc biệt của tự vị nầy là có ghi cả loại thinh, kèm theo chữ la-tinh. Những tiếng thí dụ trong câu hỏi 1, nếu phát âm theo giọng Hán Việt là : Khổng-tử, Tư-Mã-Thiên, Đạo-đức-kinh, Tề-vật-luận.
2.- Nếu có quyển Mathew's... thì đọc những tên nêu trong câu hỏi 2 : Quốc-dân-đảng, Tuân-tử, Lý-Tư, Thần-đạo v.v...
3.- Chữ yao dịch là music là chữ nhạc, dịch là sage king of egendary period là chữ Nghiêu.
4 và 5.- Có thể phiên âm tiếng bổn xứ của những nhân vật và địa danh ấy. Riêng Pleime, theo ông Nguyễn Bạt Tụy, Plei tiếng Thượng có nghĩa là « làng » = làng Mê (tên của người).
6.- Có lẽ đầu tiên aide-contrôleur để rước khách và kiểm điểm thâu tiền khách. Sau mấy anh nầy tập lái xe luôn và phụ với tài xế chánh.
7.- Hiện nay tại Thư-viện Quốc-gia có nhiều sách dạy tiếng Hi-lạp, La-tinh, Pali, Sanscrit v.v... Bạn nên đến Thư-viện đó (ở số 34 đường Gia-long, Sài-gòn) mà tham khảo. Về tiếng La-tinh, bạn nên hỏi tại thư viện các trường Công-giáo ; còn tiếng Pali và Sanscrit thì nên hỏi Viện Đại-học Vạn-Hạnh của Phật-giáo thì sẽ được chỉ dẫn rành rẽ hơn. Nếu bạn muốn biết về những cuốn sách hiện có tại Thư-viện Quốc-gia, xin gửi tem thư, chúng tôi sẽ trả lời bằng thư riêng thì tiện hơn.

LÊ-NGỌC-TRỤ
Văn 56, 15.4.1966

0 comments: