Vùng chợ-lớn buôn-bán được thạnh-vượng, khi xưa cũng như ngày nay, một phần lớn là nhờ vào con kinh Tàu-Hủ (trên bản đồ ghi Arroyo Chinois), là đường thủy-vận nối liền Thủ đô Saigon với các sông-ngòi miệt Hậu-Giang. Nó là đường giao-thông tiện-lợi nhứt, đã gần mà ít nguy-hiểm, vì khỏi đi đường biển vào cửa Cần-Giờ. Các tàu nhỏ, ghe thương-hồ, các chài lúa từ vùng Bạc-Liêu, Cà-Mau kéo lên, từ Biển-Hồ Nam-Vang đổ xuống, cũng đều noi con kinh nầy mà cất hàng hoặc « ăn » gạo nhà máy Chợ-Lớn, hoặc giao-dịch với Thương-cảng Sài-Gòn để gởi hàng-hóa đi ngoại quốc.
Dọc bờ kinh nầy, từ Rách-Cát trở ra, phố-xá, nhà máy, kho lẫm kế liền.
Dưới sông ghe tàu qua lại không ngớt, chài lúa đậu tiếp nối « ăn gạo » hoặc đợi « cất lúa ». Trên bờ, dân phu tấp-nập vác gạo lúa, tốp chuyển xuống chài, tốp cất lên kho - cảnh buôn bán náo nhiệt hòa nhịp với tiếng động nhà máy chạy ngày đêm.
Con kinh nầy, ngoài việc lợi ích giao-thông về kinh tế, cũng là con đường chiến lược, khi xưa tàu Pháp mượn nó chận vây đồn Cây-Mai, và thuận đường « chụp » Mỹ-Tho. Nó đã từng chứng kiến những biến cố lịch sử đau thương, và tiểu sử nó còn được trong sách sử.
Nhắc lại, năm Kỷ mùi (1679) mấy quan nhà Minh ở Quảng-Tây, Quảng-Đông là Dương-ngạn-Địch, Trần-Thượng-Xuyên, Hoàng-Tiến, Trần-An-Bình... vì chống nhà Thanh, đem 3000 quân và 50 chiếc thuyền đến Thuận-Hóa xin thần phục Chúa Nguyễn. Hiền Vương cho họ vào lập nghiệp ở Thủy chân-Lạp. Họ phân nhau đến định cư và chuyên nghề thương mãi tại Đông-Phố, Đồng-Nai và Định-Tường.
Về sau, năm Mậu Thìn (1688) Hoàng-Tiến là phó tướng của Dương-Ngạn-Địch nổi lên đánh chủ để cướp quyền. Vua Miên bấy giờ ở tại Gia-Định sợ có loạn, cầu cứu với Chúa Nguyễn. Nguyễn-vương sai quân vào giết Hoàng-Tiến, rồi nhân tiện bắt vua Miên Chey Chetta IV phải triều-cống.
Năm mậu-dần (1698) Nguyễn-Hữu-Cảnh làm kinh lược đất Chân-lạp chia đất Đông-Phố và Đồng-Nai làm dinh huyện. Những người Tàu ở Trấn-Biên (Biên-Hòa) thì lấy làm xã Thanh-Hà, những người ở đất Phiên-trần thì lập làm xã Minh-Hương.
Họ buôn bán thạnh-vượng trong xứ và giao thương với các xứ lân-bang như Mã-Lai, Nhựt. Con rạch (An-Thông) vẫn là đường vận-tải thiên-nhiên tiện-lợi. Vì vậy họ cẩn đá dọc bờ Rạch và gọi là Đê-Ngạn mà họ phát-âm là « Thầy-Ngồn ». Có lẽ người bổn xứ đã nói trại hai tiếng « Thầy-Ngồn » ra « Sàigòn » chăng? Có điều chắc là con rạch An-Thông khi xưa cũng không gọi là Rạch Sàigòn (xin nhớ Sài-gòn đây là Chợ-Lớn ngày nay còn Sài-gòn ngày nay xưa gọi là Bến Nghé hoặc Bến Thành) và trên bản đồ Trần-văn-Học vẽ hồi 1815 ghi vùng Chợ lớn ngày nay là Sài-gòn.
Ngoài việc làm ăn thương-mãi mấy danh nho Minh-Hương còn mở trường dạy học. Thời Nguyễn-Cư-Trinh trấn thủ Gia-Định (1755 - 1765) ông thường giao-du với nhóm Chiêu-Anh-Các của Mạc-thiên-Tích ở Hà-Tiên. Và về sau, mấy văn thần võ tướng có công giúp Chúa Nguyễn-Ánh phần lớn là nhóm người Minh-Hương nầy.
Khi Tây-Sơn nổi lên đánh vào Đồng-Nai, thì họ bỏ Cù-lao Phố (Biên-Hòa) theo sông Tân-Bình đến vùng Chợ-lớn hiệp với nhóm người xã Minh-Hương (năm 1778).
Tháng hai năm Nhâm dần (1782), Tây-Sơn lại tấn công Gia-Định lần thứ ba, đánh tan quân Chúa Nguyễn tại Ngã-Bảy, Cần-Giờ, và theo sông Lôi-Lạp tiến vào Bến-Nghé. Chúa Nguyễn phải bỏ Gia-Định lánh nạn. Quân Tây-Sơn thuận tay tàn sát người Tàu.
Theo tài liệu của Francis Garnier dẫn ra trong bài Chợ-lớn (đăng trong Niên-giám Nam Kỳ năm 1866, Annuaire de la Cochinchine française pour l'année 1866, trang 83), nói rằng vịn theo tác giả Gia định Thông chí, thì :
«... (1782) người Tàu bị giết hơn một vạn. Thây nằm chật đất từ Bến-Nghé đến Sàigòn (tức là Chợ-Lớn) ; thây liệng xuống rạch An-Thông chật ních đến đỗi lấp cả dòng nước ; không ai dám ăn cá trong khoảng thời gian ba tháng. »
« Háng-hóa của tiệm buôn Tàu đủ loại như : trà, hàng vải, thuốc men, hương liệu, giấy má, bỏ vãi đầy đường sá, một thời gian khá lâu, không ai dám lượm. Năm sau (1783), giá trà Tàu vọt lên cao đến tám quan tiền một cân và một cây kim may giá một lượng ; tất cả hàng hóa đều cao vọt lên. »
Nhưng năm sau (1783), Chúa Nguyễn-Ánh khắc phục được Gia-Định và lần hồi thắng Tây-Sơn, thống nhứt giang-san. Người Trung-Hoa, năm Kỷ-dậu 1789 thượng sớ tâu xin cho lập lại xã Minh-Hương đã thâu thuế.
Rạch Sài-gòn, thời Gia-Long gọi là Rạch An-Thông. Lòng sông khi đó cong quẹo, hẹp và cạn, có nhiều cồn nên cuộc giao thông khó khăn. Từ năm 1819, đoạn rạch từ cầu Bà Thuông (cầu Đề Thông, tức là lối cầu Chà-Và ngày nay) đến Rạch Cát được đào rộng. Công trình đào con kinh nầy, hoàn thành trong ba tháng, trong Gia-Định thông chí, ông Trịnh-Hoài-Đức có ghi rành ; xin lược dịch theo bản Pháp-văn của Aubaret, như sau :
« Năm kỷ-mão, Gia-Long thứ 18 (1819), ông Khâm-sai Huỳnh-Công-Lý, với ông tổng Thanh-tra Gia-Định, trấn dùng 11.460 dân-công, (tất nhiên có người Minh-Hương) chia làm ba toán - dân công được lãnh tiền và khẩu phần - đào con kinh, theo lòng rạch cũ, từ cầu Đề Thông đến kinh Ruột-ngựa. Kinh dài được 2129 tầm và 1 bộ, bằng 9 dặm rưỡi, (mỗi dặm 576m X 9.5 : 5472m.). Bề ngang rộng 15 tầm (mỗi tầm 8 xích : 0m32 X 8 X 15 : 36m90). Bề sâu được 9 bộ (mỗi bộ 6 xích : 0m32 x 6 x 9 : 17m28). Mỗi bên kinh có chứa một bờ kinh rộng 8 tầm, bờ kinh ấy thông liền với đường sứ rộng 6 tầm. Công-tác khởi ngày 23 tháng giêng và hoàn thành ngày 23 tháng tư năm Kỷ-mão 1819, đúng 3 tháng. Vua Gia-Long cho đặt tên khúc kinh ấy là An-Thông-Hạ ».
Sau nầy, người Pháp có cho vét kinh hai lần, hồi năm 1887 và 1895.
Nay ráp với đoạn Chợ-quán và Cầu Ông Lãnh gọi là kinh Tàu-Hủ.
LÊ-NGỌC-TRỤ
Phổ-Thông 15, 15.7.1959
0 comments:
Post a Comment