Cần phải nhứt-trí chánh-tả ! Ta nên theo tự-điển nào mà viết đúng tiếng Việt ? / Lê-Ngọc-Trụ

Nếu phát âm đúng tiếng Việt thì viết không sai chánh tả, bởi hễ nói sao là viết vậy, rất dễ dàng ! Nhưng khi chẳng phát âm được đúng, mà lại còn gặp thêm các tự-điển không nhứt trí với nhau, thì trái lại, sự chánh tả trở nên phiền phức. Một cớ cho người học dễ chán nản ; học thuật nước nhà cũng vì đó mà chậm phát triển.
Song mấy ai nói được đúng giọng. Giọng nói vùng nào đúng ? Các tự-điển đã chọn giọng nào đễ ghi mỗi tiếng ?

Trong tiếng Việt, không kể mấy giọng địa-phương rải-rác, so sánh các vùng nói, người ta nghiệm thấy :
- GIỌNG NGHỆ TĨNH nói rõ các âm-đầu, nhưng không phân biệt giọng hỏi, ngã, hoặc ngã, nặng ;
- GIỌNG BẮC phát-âm rõ ràng giọng ngã, hỏi và các vận cuối, nhưng thường đọc lẫn các âm-đầu[ (như x, s, ch, tr ; d, r, gi...) ;
- GIỌNG NAM lầm lẫn gi, với d, các vận cuối và cũng không nói phân biệt được hai giọng hỏi, ngã.
Nhận ra mấy sự lầm-lẫn kể trên là đã biết có một giọng nói đúng hơn. GIỌNG-NÓI CHÁNH THỨC, làm mực thước trong sự nói và viết. Nó sẽ tiêu-biểu cho lối « chánh-tả » chánh-thức, được ghi vào tự-điển của viện Hàn-lâm, ai cũng phải tuân theo. Nhưng giọng nói đó, chưa biết đã căn cứ vào đâu mà được ? Theo giọng nói mỗi vùng, theo sự quen dùng, theo tự-nguyên ? Nước ta chưa có viện Hàn-lâm lo điển chế ngôn ngữ và nhứt trí chánh tả, nên cũng chưa có bộ tự-điển chánh-thức ấy.

Ban sơ, Hội các giáo-sĩ dòng Tên ở Macao dùng tự-mẫu La-tinh, Ý và Bồ tạm ché ra chữ « quốc-ngữ » để các thầy dòng học tiếng Việt-Nam đặng truyền-bá đạo Da-tô.
Chữ « quốc-ngữ » lúc mới bày có lẽ không có dấu giọng. Cố Alexandre de Rhôdes, sau khi ở Bắc giảng đạo (1627-1628), phân biệt được tám giọng của tiếng Việt mới bày thêm năm dấu giọng để ghi bực trầm bổng. Vì theo ông, nếu không phân biệt các giọng của tiếng Việt sẽ có sự hiểu lầm tai hại như việc ông « cha » nọ biểu người ở mua ; ông biết chữ , nhè phát âm với giọng huyền, thành ra anh nọ ra mua về một rổ . Cố là người thứ nhất đã theo giọng Bắc soạn quyển tự-vị Nam-Lạp-Bồ, xuất-bản tại Roma năm 1651. Dấu giọng đúng theo giọng Bắc ; lối viết có khác lối bây giờ.

Nhưng vì có lịnh cấm đạo của chúa Nguyễn ở Đàng Trong và của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, sự truyền bá đạo Da-tô rất gian nan và bị gián đoạn, nên trong khoảng hơn trăm năm, sách bằng chữ quốc-ngữ cũng không xuất bản.

Mãi đến khi đức Cao-Hoàng cùng nhiều người Nam lánh nạn bên Xiêm (1784), các giáo-sĩ ở Bangkok mới mở một nhà in sách quốc-ngữ. Và đến năm 1838, giáo-chủ Taberd, nhờ toàn quyền Ấn-độ Auckland giúp tiền và cho phép, xuất bản bộ tự-vị Dictionarium Latino-Anamiticum tại Serampore (Ấn), nơi « trường các giáo-sĩ » gần Calutta.

Còn tiếp...

LÊ-NGỌC-TRỤ
Việt Báo 15, 27.8-3.9.1949

0 comments: