- nhắn tin chung :
Từ mấy tháng trước, tòa soạn Văn có chuyển cho tôi một số thư của bạn đọc từ nhiều nơi gửi về yêu cầu giải đáp thắc mắc.
Ngặt vì tôi vẫn còn bịnh, tay chưn tê nhức, đi làm phải chống gậy và mang dép, lại thêm bận nhiều công việc sở, nên tôi rất tiếc phải phụ lòng tin cậy của quý bạn mà nhường phần lo việc « giải đáp thắc mắc » lại cho anh bạn trẻ Thư-Trung.
Rất mong bạn đọc thông cảm và thứ lỗi cho, tôi rất lấy làm thậm cảm.
LÊ NGỌC-TRỤ
Từ mấy tháng trước, tòa soạn Văn có chuyển cho tôi một số thư của bạn đọc từ nhiều nơi gửi về yêu cầu giải đáp thắc mắc.
Ngặt vì tôi vẫn còn bịnh, tay chưn tê nhức, đi làm phải chống gậy và mang dép, lại thêm bận nhiều công việc sở, nên tôi rất tiếc phải phụ lòng tin cậy của quý bạn mà nhường phần lo việc « giải đáp thắc mắc » lại cho anh bạn trẻ Thư-Trung.
Rất mong bạn đọc thông cảm và thứ lỗi cho, tôi rất lấy làm thậm cảm.
LÊ NGỌC-TRỤ
- ông Mai Văn Hảo, Đà nẵng, hỏi :
... Nhân đọc lời giải đáp thắc mắc của ông đăng trong Văn số 69, tôi đã suy nghĩ không ít, bởi vì, theo tôi, ông giải đáp hầu như không được đúng lắm, bởi câu « làm thân con gái mười hai bến nước » là do ngày trước ở bên Tàu xã hội chia làm mười hai giai cấp hay mười hai hạng người gì đó, trong đó là : « sĩ, nông, công, thương, cầm, kỳ, thi, tử, ngư, tiều, canh, mục, » đời sống khác nhau, người con gái may thời gặp hạng người sang nếu rủi thì gặp người hèn tùy theo số phận của mỗi người...
« Câu trên đây tôi cũng đã hỏi mấy cụ túc nho họ cũng nói đại khái như vậy.
« Những lời tôi viết đây không biết đã đúng hẳn không ? Nhưng với tôi thật là có lý. Vậy tôi viết thư cho ông để ông suy xét lại, và nếu ông nhận thấy đúng thì cũng là giúp thêm tài liệu cho ông... »
- ông Lê Quý, Pleiku, hỏi :
« ... Đọc bài giải đáp thắc mắc của ông đăng Văn số 69, tôi thiển nghĩ như sau :
« Đời con gái ngày xưa thường phụ thuộc vào người chồng của họ, cái vinh hạnh của đức lang quân tức là chính họ vinh hạnh vậy. Người chồng của họ ở địa vị, nghề nghiệp nào thì họ ở vào bậc ấy. Bất kể người con trai nào cũng cập một trong mười hai bến ấy để đem lại sự ấm cúng yên vui cho gia đình vợ con, những bến đó là : sĩ, nông, công, thương, ngư, tiều, canh, mục, cầm, kỳ, thi, họa.
« Trong một bài thơ cổ nọ, chàng trách nàng « khéo » chọn chồng để duyên anh làng lỡ, rồi cô cũng chịu số phận lao đao, có đoạn như sau : « ... Phận con gái mười hai bến nước, sa đâu ấm đó, chớ có trách gì, tôi đây trách những người kén bạc tham chì, muốn ưa năng cho nên chi mà hóa nặng... »
« Chữ sa đâu ấm đó chứng tỏ rằng, dù bến nào cũng do người chồng bảo hộ cho nàng một đời êm ấm. Ngoài ra, theo thiển ý, cuộc đời đã tin vào số mạng thì bất cứ trai gái gì cũng đều nằm trong mười hai cung tử vi, không riêng gì phận con gái... »
- trả lời chung ô.ô. Mai Văn Hảo và Lê Quý :
Chúng tôi đồng ý với hai vị độc giả trên rằng người đàn bà quả đã tùy thuộc nơi nghề nghiệp, địa vị của đức ông chồng.
Và cảnh khổ sở của người đàn bà cũng tùy thuộc nơi tánh tình người chồng : người chồng giầu sang mà thô bạo, « võ phu », ắt không hẳn đem lại cuộc đời vui tươi sung sướng cho người vợ. Ngoài cảnh « chồng con », người đàn bà còn gặp thêm cảnh « mẹ chồng » hoặc « chị hay em chồng », hoặc cảnh « chị em bạn dâu ». Có lắm gia đình, người chồng đủ gây hạnh phúc cho vợ, nhưng bà mẹ chồng, chị hoặc em chồng, lại là những người tạo nên nỗi khổ tâm cho bà vợ, như thế, cảnh « đục chịu » của người đàn bà còn bị ảnh hưởng khác, không do nơi người chồng vậy.
Trong số các nghề nghiệp, tứ dân : sĩ, nông, công, thương là gồm đủ. Theo Hán-Việt từ-điển Đào Duy Anh, « ngư, tiều, canh, mục : người đánh cá, người hái củi, người đi cày, người chăn thú là bốn cái cảnh của thợ vẽ thường vẽ. » Và trong bốn cảnh nầy, canh là « người đi cày » trùng với nông của tứ dân.
Còn cầm, kỳ, thi, họa, cũng theo từ-điển Đào Duy Anh, « đánh đàn, đánh cờ, ngâm thơ và vẽ là bốn cái thú của kẻ tao nhã ». Như thế, đây ắt không phải là bốn nghề sinh sống của đại chúng.
Vậy cọng bốn cảnh : ngư, tiều, canh, mục, và tứ thú : cầm, kỳ, thi, họa, vào tứ dân : sĩ, nông, công, thương, để cho đủ mười hai nghề, chúng tôi sợ e không được hợp lý. Nếu cọng cho đủ con số 12, thì có bạn góp ý là tam (3) giang, tứ (4) hải và ngũ (5) hồ, vậy chúng tôi lại cũng xin nêu ra đây để thêm có tài liệu khảo cứu...
- ông Lê Xuân Đại, Sài-gòn hỏi :
1) Hán-Việt Từ-điển của Đào Duy Anh không có vần G. Một sự thiếu sót hay vì âm chữ Hán phát thanh ra Việt không có âm G ?
2) Chữ GÓA (như trong « góa phụ » chẳng hạn) có phải là danh từ Hán-Việt không ? Nghĩa của nó ?
3) Can lệ (như chữ « duyên Can lệ ») là gì ? Từ đâu có chữ ấy ?
- trả lời :
1) Vì tiếng Hán-Việt không có vần G khởi đầu.
2) Góa là danh từ nôm do gốc chữ quả.
3) Cang lê cđ Khảng : kết đôi cùng nhau.
- em Hà Văn Khạo, Long-thuận, hỏi :
1) Hai câu sau đây, câu nào đúng, câu nào sai, và nếu có một câu đúng tại sao có sự sửa đổi ở câu kia ?
« Gió đưa cành trúc là đà,
Tiếng chuông Thiên-mụ, canh gà điểm sương. »
« Gió đưa cành trúc là đà,
Tiếng chuông Thiên-mụ, canh gà Thọ-xương. »
Xin bác giải thích rõ giùm địa danh của câu thơ trên và cho biết nó thuộc loại gì ? (tục ngữ, thành ngữ, ca dao...)
2) Nhà văn Nguyễn Công Hoan, tác giả Tắt Lửa Lòng hiện giờ ở đâu ? và sống bằng nghề gì ?
- trả lời :
1) Vì hai câu trên là ca dao nên sự truyền tụng dễ bị biến đổi. Theo Thái Văn Kiểm, trong Đất Việt Trời Nam, tr. tr. 336-337, thì hai câu đó là :
« Gió đưa cành trúc là đà,
Tiếng chuông Thiên-mụ, canh gà Thọ-Cương. »
Chùa Thiên-mụ hay Linh-mẫu-tự (cũng gọi chùa Linh-mụ) ở làng Kim-long, từ bên kia sông, trên đồi Long-thọ-Cương.
2) Tác giả Tắt Lửa Lòng hiện đang sống ở miền Bắc, nhưng đã từ nhiều năm nay ông không sáng tác được gì mới.
- ông Hồ Phi Linh, Quảng-ngãi, hỏi :
1) Làng Tây-sơn bây giờ thuộc làng nào, quận nào ở Bình-định ?
2) Tình trạng của làng ấy bây giờ ra sao ?
- trả lời :
1) Làng Tây-sơn bây giờ là ấp Kiện-mỹ, làng Bình-thành, quận Bình-khê..
2) Em nên tìm đọc cuốn Hồ Thơm, Nguyễn Huệ, Quang Trung của Nguiễn Ngu-Í. Nếu còn thắc mắc, em có thể biên thư gửi tác giả, nhờ tòa soạn Bách-Khoa hoặc Văn chuyển giao.
- ông Lâm Văn Sang, Bình-long, hỏi :
1) Bảng danh sách, Bảng kê, Bảng chiết tính... chữ Bảng Viết có G hay không G đúng ?
2) Học đường, Học hiệu, Học xá, Trường học... khác nhau thế nào ?
3) Đơn dản, Đơn giản - chữ nào đúng ?
- trả lời :
1) Bảng viết có g là đúng.
2) Theo từ điển Đào Duy Anh, tất cả đều cùng một nghĩa.
3) Đơn giản.
- em Tâm, Quảng-ngãi, hỏi :
1) Có phải thư ký tòa soạn nào cũng có người phụ tá ? Thày Thanh-Tuệ có người phụ tá không ?
2) Cuốn Bác-sĩ Zivago của Boris Pasternak sao có chỗ viết là Jivago, có chỗ lại viết là Zivago ?
- trả lời :
1) Thông thường các thư ký tòa soạn đều có người phụ tá. Em có thể biên thư hỏi thẳng Thày Thanh-Tuệ, địa chỉ ghi trên các bìa sách do nhà An-TIêm ấn hành.
2) Người Pháp viết Jivago, người Anh viết Zivago. Đó là phiên âm gốc tiếng Nga.
- ông Ngô Quốc Khánh, Sài-gòn, hỏi :
1) Nguyễn Bách Khoa có phải là Trương Tửu không ?
2) Tôi có cuốn Giòng Nước Ngược của Tú Mỡ bị thiếu ít trang. Xin ông giới thiệu giúp tôi, ai có cuốn đó đầy đủ để tôi tới xin bổ túc cho đầy đủ.
- trả lời :
1) Nguyễn Bách Khoa là một bút hiệu của Trương Tửu.
2) Ông có thể tới các thư viện tại Sài-gòn. Tại những tiệm cho mướn sách, chúng tôi cũng thấy có cuốn đó.
NHẮN TIN RIÊNG :
- ông Đinh Thư, Đà-lạt :
Chúng tôi không tiện trả lời thư ông vì có liên quan đến L.m. LVL. Mong ông thông cảm và lượng thứ.
ông B.T.D., Sài-gòn :
Mục này không tiện trả lời loại câu hỏi của ông. Xin ông hỏi một y sĩ, hoặc biên thư hỏi một tờ báo có mục mách thuốc thì phải chỗ hơn.
L.N.T và T.T.
Văn 87, 1.8.1967
0 comments:
Post a Comment