Giải đáp thắc mắc bạn đọc (Văn 19) / Lê-Ngọc-Trụ

thế nào là kính ? thế nào là gương ?

Một độc giả của VĂN (1) biên thư nhờ giải đáp giùm câu hỏi trên, viết tiếp như vầy :
« Theo như em học ở nhà trường họ giảng kính là khi nào mình để trước mắt mình có thể thấy được cảnh vật trước mắt ta, còn gương thì trái lại ta không thể thấy những cảnh vật trước mắt mà chỉ thấy cảnh ở sau lưng ta.
Như vậy, ông Đoàn Luân khi thấy em là Đoàn thị Điểm soi gương để trang điểm ông ứng lên rằng « đối
kính họa mi nhất điểm phiên thành lưỡng điểm ».
Chẳng lẽ bà Điểm lấy một tấm kính là một tấm không nhìn rõ khuôn mặt mà trang điểm hay sao ? ».
Như vậy ông Đoàn Luân dùng chữ
« kính » không đúng phải không anh... »

Trước khi giải đáp câu hỏi trên, nên nói mau rằng tự-ngữ kính là tiếng Hán-Việt, nghĩa là chữ Hán phát âm theo giọng Việt, còn gương là tiếng Việt chuyển gốc nơi chữ kính của Hán-tự. Ông Đoàn Luân dùng câu văn Hán-tự để hỏi bà Điểm, chớ không dùng tiếng Việt, vậy nếu chưa xét đến « nghĩa » của tiếng kính, ta cũng đã thấy rằng ông Đoàn Luân « dùng đúng », vì ông dùng danh từ Hán-Việt.
Muốn biết « thế nào là kính, thế nào là gương », ta cần xét qua tự-nguyên của hai tiếng ấy.
Tiếng Việt gồm có tiếng Việt thuần túy và những tiếng mượn nơi ngôn ngữ dân tộc láng diềng, trong số đó, tiếng mượn của Trung-Hoa là nhiều hơn hết. Ta mượn « chữ Hán » của kinh điển sách vở Trung-Hoa, nhưng không đọc theo giọng Tàu, mà lại phát âm bằng giọng Việt, kết quả là tiếng Hán-Việt ngày nay. Hiện trạng nầy xảy ra từ thế kỷ thứ X về sau,nghĩa là từ « Thời kỳ Tự chủ », nước ta không còn chịu ảnh hưởng trực tiếp của quan lại Tàu nữa. Rồi, do sự cần dùng trong cuộc sống hằng ngày bắt buộc, để cấu tạo thêm tự ngữ mới, các tiếng Hán-Việt được biến trại thành tiếng Việt, hoặc được giữ nguyên trạng giọng phát âm, nhưng dùng theo ngữ-pháp Việt-Nam, hoặc bị biến thể sửa đổi theo hệ thống biến âm đặc biệt của Việt-ngữ mà trở thành tiếng Việt, âm thinh đã trại biệt khác với tiếng gốc Hán-Việt.
Đó là về phương diện « âm thinh ». Về phương diện « nghĩa lý », phần lớn cũng đã mượn những nghĩa thông dụng của chữ Hán, các nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa rộng, nghĩa hẹp, mà còn dùng theo nghĩa thông dụng, quen với quan niệm và tập quán của dân tộc Việt-Nam.

Theo vật-lý-học, những vật gì bóng láng thì phản chiếu cảnh vật chung quanh. Ghi hiện tượng nầy, Hán-tự có chữ giám 鑑 và chữ kính 鏡.
Giám, bộ Thuyết-văn giải-tự của Hứa Thận đời Hán ghi là : cái ảng lớn (đại bồn) (2). Theo sách Chu-Lễ Thu quan tư huyễn thị, dùng « giám » để thâu nước tinh khiết ở mặt trăng (dĩ giám thủ minh thủy ư nguyệt). Ban đêm, khí ẩm thấp xông lên gặp hơi lạnh thành « lộ » (mù sương). Đêm trăng thật sáng, nếu không có gió và mây, thì « lộ » có nhiều. Dùng cái giám bằng đồng, để ngay dưới ánh trăng hứng sương, sương gặp chất đồng lạnh lắng thành nước trong tinh kiết. Cái bồn đồng như một « ao-kính » phản chiếu ánh trăng, tạo nên sức lạnh nhiều, khiến sương mau thành nước (3). Vì trăng thuộc « âm », nên cũng gọi giám là âm giám.
Bởi chất đồng bóng láng phản chiếu ánh sáng, nên giám có nghĩa là : « cái kính (gương soi) ; soi ; xem xét kỹ càng ; làm gương ; răn giới. » Thời cổ xưa, dùng đồng làm gương soi gọi là giám. Nhân cái giám « năng chiếu vật », nên chép việc thành bại cổ kim để cảnh giới làm gương cũng gọi là giám. Tư-Mã Quang trứ tác bộ Tư trị thông giám là « pho sử để soi vào đấy mà giúp thêm các cách trị dân », Sách Minh tâm bửu giám và bộ Khâm-định Việt sử thông giám cương mục cũng ngụ ý nầy.
Tiếng giám không có biến trại trở thành tiếng Việt, chỉ dùng trong từ ngữ Hán Việt mà thôi.

Loại kim bóng láng có thể thâu cảnh vật cũng gọi là kính 鏡.
Tự điển Trung Hoa phiên âm như sau :
- Khang Hi tự điển : 1) « Đường vận », « Chinh vận » : « cư + khánh thiết, âm cánh. » 2) « Vận bổ » của Ngô Vực đời Tống ghi : « cư + lượng thiết, khương khứ thinh ». Vậy phải đọc là cướng hoặc khướng.
- Từ Hải, Từ nguyên, Trung Hoa đại tự điển chỉ ghi có một âm : « cư + khánh thiết, âm kính. »
Do các phiên thiết trên, giọng Hán-Việt có tiếng cảnh, như « Ngũ luân minh cảnh » (nhưng ít thông dụng), và tiếng kính, được phổ thông hơn. Còn âm cướng hoặc khướng thì không có dùng.
Về nghĩa tiếng kính, Khang Hi tự điển có dẫn mấy nghĩa như sau.
1.) Thuyết văn : « Khí cụ thâu cảnh vật ».
2.) Tên núi : Thạch kính sơn, vì ở phía đông núi nầy có tảng đá, dựng bóng sáng thấy hình, chiếu người.
3.) Tên đá : tương truyền tại Nhiêu châu, tỉnh Giang Tây, Hiên Viên Thị (tức Huỳnh Đế) thời cổ có mài đúc kính nơi ven hồ, nên nay còn tên gọi Hiên-Viên ma kính thạch, đá ấy thường tinh khiết, cỏ không mọc lan trên đó được.
Ngoài ra, kính còn có nghĩa rộng là : « soi ; xem xét ; làm gương ; răn giới. »
Từ-Nguyên giải thích chữ kính như vầy : « Phàm kim loại trơn bóng có thể soi vật gọi là kính. Thời cổ dùng đồng làm kính, đời nay dùng pha ly, nên pha ly cũng gọi kính. Vốn nghĩa của kính làm bằng đồng, là phản chiếu ánh sáng (hồi quang) ; sau, với chất pha ly, ánh sáng có thể thấu qua (thấu quang) cũng gọi lá kính, như nhãn kính, vọng viễn kính, hiển vi kính... »
Từ Hải còn giải thích thêm : « kính có nhiều loại : bình diện kính, cầu-diện kính, phao-vật trụ-diện kính .. nhưng phổ thông thường nói về loại bình-diện kính (kính mặt bằng). Và thường dùng pha ly mặt bằng tráng thủy ở sau để làm kính soi mặt. »
Như thế, Hán tự dụng có một chữ kính để chỉ cả hai tác dụng, khi dùng « kính thấu quang » để thấy được cảnh vật trước mắt, và khi dùng « kính hồi quang » để xem cảnh vật ở sau lưng ta.

Do tiếng kính của Hán-Việt, tiếng Việt đã biến trại nó mà tạo thành ba tự ngữ :
1.) Kính, vẫn giữ nguyên trạng âm thinh, nhưng dùng theo ngữ Pháp-Việt, nghĩa là theo lối « cú pháp thuận ». Ta gọi kính hiển vi, kính viễn vọng, kính cận thị, kính đeo mắt, cửa kính...
2.) kiếng, theo luật biến vận, vận inh đổi ra vận iêng, như chinh > cái chiêng ; chính (nguyệt) > (tháng) giêng ; tỉnh > giếng...
Đại Nam quấc âm tự vị của Paulus Huình tịnh của, và tự vị Génibrel đều viết kiến (không g) vì sắp vào loại tiếng Hán-Việt, nhưng Jean Bonet cho tiếng kiến là tiếng Việt (4). Vì là tiếng Việt chuyển gốc nơi tiếng kính của Hán-Việt nên chúng tôi chủ trương viết kiếng (có g).
Điều đáng để ý là Việt-Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến đức không có ghi chữ kiến hoặc kiếng.
3.) gương, theo luật chuyển âm : K > g ; vận inh chuyển ra ương (vận iêng, ương đọc trại lẫn nhau, như : giềng mối = giường mối) ; giọng sắc biến thành giọng ngang, vì đồng bực thinh.
Về nghĩa của các tiếng Việt : kính, kiến (g) gương, mỗi vùng trong xứ có dùng nghĩa khác nhau chút ít. Xin dẫn chứng các tự vị.
1.) Đại Nam quấc âm tự vị :
KÍNH (c) (kiến). Đồ bằng chai, sáng suốt, có lót thủy thì để mà soi, không lót thủy thì để mà nhận khuông.
Minh kính : gương sáng
Mục kính : kiến con mắt.
. . . . . . . . . . . . . . .
(Mắt kính, soi kính...)
KIẾN (c) (kính)
Kiến soi : gương soi mặt, kính soi, kính con mắt.
Chiếu kiến : soi vào trong kính, coi trong kính
. . . . . . . . . . . . . . .
(Soi kiến, coi kiến, mang kiến, kiến lấy lửa...)
GƯƠNG (n). Kính làm vừa con mắt để mà coi cho tỏ; kính tráng thủy để mà soi mặt ; kiểu vở hoặc cái chi để cho người bắt chước, hoặc phải xa lánh.
Gương soi : kiến con mắt, cũng hiểu là kính soi mặt.
Soi gương : ngó vào trong kính tráng thủy để mà coi mặt ; coi theo việc trước.
Gương bể bình tan : cuộc phân lìa, vợ xa chồng, chồng xa vợ, phải có nhựt nguyệt tỏ soi, ai làm quấy cũng có gươm quỉ thần gia hại.
Làm gương : làm chuyện chi ra trước cho kẻ khác noi theo. Làm phải kêu là gương tốt, làm quấy kêu là gương xấu.
. . . . . . . . . . . . . . .
(Để gương, nê gương, gương sáng...)
2.) Việt Nam tự điển :
KÍNH. 1. gương soi. Dùng sang tiếng Việt để chỉ mặt thủy tinh : kính hiển vi, cửa kính.
2. Do chữ « nhãn kính » nói tắt, tức là hai mặt kính để vào gần mắt mà trông cho rõ : kính đeo mắt.
. . . . . . . . . . . . . . .
GƯƠNG: mặt phẳng làm bằng kim khí hay bằng thủy tinh đằng sau có tráng thủy, dùng để soi. Nghĩa bóng : việc trước để cho người sau trông vào mà biết khuyên răn : gương kim cổ, gương thành bại. Nghĩa rộng : trỏ mặt trăng, mặt trời... : Gương nga. Trông ra ác đã ngậm gương non đoài (Kiều).
3.) Việt-Nam tân từ-điển của Thanh Nghị :
KÍNH dt. Gương soi. Ngr. Cũng thường dùng như tiếng kiến để chỉ : a) mặt thủy tinh : kính hiển vi ; b) mặt kính đeo vào mắt để trông cho rõ hay che ánh sáng : đeo kính.
. . . . . . . . . . . . . . .
KIẾN dt. Thể cứng, trong và rất dễ bể, do chất khuê-thổ (silice) và chất potasse dung hợp nấu chảy ; cũng có nơi gọi là kính : kiến đeo mắt, cửa kiến... (kiến mờ, kiến soi, mắt kiến...).
. . . . . . . . . . . . . . .
Gương 1. dt. Mặt phẳng bằng thủy tinh ở sau lưng có tráng một lớp thủy ngân dùng để soi : soi gương thẹn bóng... (gương lõm, gương lồi, gương quay...)
2. Ngb. Việc làm kiểu mẫu cho người ta bắt chước : gương kim cổ ; Để gương trong sách tạc bia dưới đời (Nhị độ mai) ; làm gương, theo gương (...gương mẫu...)
Ngb : Chỉ mặt trăng, mặt trời sáng như gương :
Gương mặt : dt : dáng mặt, vẻ mặt.
Thêm vào các tự ngữ của mấy tự điển dẫn trên, ta có tiếng gương sen, có lẽ vì hình dáng nó tròn như mặt trăng.

Theo các định nghĩa dẫn trên, cả ba tự điển đều giải thích tự ngữ kính, đã trở thành tiếng Việt, như nghĩa của kính, tiếng Hán-Việt : kính soi mặt, kính đeo mắt... tùy theo nó có tráng thủy hay không có tráng thủy.
Theo chỗ nhận xét của chúng tôi, miền Nam thông dụng tự ngữ kiếng hơn kính : kiếng soi mặt, kiếng mát ; đeo kiếng gọng vàng, tủ kiếng, lộng kiếng ; xe kiếng, xe hơi mui kiếng, nhà kiếng giấy kiếng...
Về từ ngữ gương, Việt Nam tự điển chỉ dùng để gọi « kính để soi » nghĩa là « để thấy cảnh ở sau lưng ta », như em Hoài Tưởng đã học ở nhà trường. P. Của và Thanh Nghị thì dùng tiếng gương cho cả hai nghĩa dẫn trên. Nhưng theo chúng tôi nhận xét, trừ tự ngữ gương sengương mặt, ở miền Nam thông dụng tiếng gương để chỉ việc làm gương mẫu, nêu gương, noi gương, làm gương...
Tóm lại, thời cổ dùng đồng làm kính, ánh sáng không thấu qua được phản chiếu trở lại. Về sau, dùng chất pha ly trong suốt, ta thấy được những gì trước mắt ; muốn dùng để soi, phải tráng một lớp thủy ngân. Tiếng gương chuyển gốc tiếng kính của Hán-Việt, cũng dùng với hai nghĩa kể thêm, tùy theo cách cấu tạo nó, rồi theo sự quen dùng của mỗi miền mà khác biệt nhau, chớ không có ai dùng sai, nhất là ông Đoàn Luân, vì ông dùng tiếng « chữ ».

LÊ-NGỌC-TRỤ
Văn 19, 1.10.1964

Chú thích:
(1) bạn Hoài Tưởng, Tam Quan (Bình Định).
(2) Một âm nữa đọc hạm (hồ + tạm thiết) là loại hũ miệng lớn, dùng để đựng băng (nước đá). Sách Chu-Lễ Thiên quan lăng nhân chép : « đầu mùa xuân, quan lăng-nhân (coi về việc băng giá) dùng hạm đựng băng, rồi để vật thực lên trên để ngừa ôn-khí » (như ngày nay ta dùng tủ lạnh)
(3) Khí cụ dùng thâu lửa ở mặt trời thì gọi là toại hoặc dương toại. Hình dáng nó như cái ly lớn (bôi), làm bằng sắt. Lúc giữa trưa, chà cái toại cho thật nóng, rồi để ngay dưới ánh mặt trời, nếu bỏ lá ngải cứu khô vô thì có thể cháy, vì hình thể cái toại như một « ao kính », ánh mặt trời bị phản xạ tạo nên sức nóng đốt cháy. Ngày nay, ta thâu lửa ở mặt trời bằng « đột thấu kính ». (Kiếng lấy lửa)
(4). Jean Bonet. - Dictionnaire Annamite - Français, tr 323, kiến. Glace, miroir (Du Sino-Annamite kính même caractère, même signification).

0 comments: