Góp ý-kiến về bài HIỆP, HỢP, HẠP của Kỹ-sư NGUYỄN-CÔNG-HUÂN / Lê-Ngọc-Trụ

Bài viết rất công-phu, nhất là về chữ Hiệp 俠. Trong bài có năm chữ Hán với dạng chữ và ý nghĩa khác nhau, và trong số ấy có ba chữ Hán không thể lầm-lẫn được : hiệp 俠 là hiệp-sĩ, hiệp 狹 là « hẹp », hạp 匣 là « cái hộp ». Về chữ Hán thì còn nhiều chữ nữa với nghĩa khác, nhưng xét không cần thiết cho bài nầy, nên không bàn đến. Còn hai chữ quan-trọng khiến ta hay lầm-lẫn là hiệp 協 và hợp 合. Vậy trước hết, nên xét qua các tự-điển Đại-Nam Quấc-âm tự-vị của Huình-Tịnh Paulus Của, Hán-Việt từ-điển của Đào-Duy-Anh, Việt-Nam tự-điển của Hội Khai-trí Tiến-đức và Hán-Việt tự-điển của Thiều-Chửu để xem cách phát-âm và định nghĩa hai chữ ấy giống nhau và khác nhau như thế nào.

P. Của :
Hiệp 協 . Nhập làm một, giúp-đỡ nhau : hiệp-ý, hiệp-lực, hiệp-lão, hiệp-dạ, hiệp-lòng, hiệp-bọn, hiệp-nhau...

Đào-Duy-Anh :
Hiệp 協 . Hoà nhau, hợp nhau, giúp-đỡ : hiệp-định, hiệp-đoàn, hiệp-đồng, hiệp-hoà, hiệp-hội, hiệp-lực, hiệp-nghị, hiệp-thương, hiệp-ước...

Việt-Nam tự-điển :
Hiệp 協 . Hợp giúp : hiệp-biện, hiệp-tá, hiệp-hộip/i].

Thiều-Chửu :
Hiệp 協 . Hoà-hợp : đồng-tâm hiệp-lực, hiệp-thương, hiệp-lý.

P. Của :
Hạp 合 chữ Hán Hiệp :
Hạp-ý, hạp-hợp, hoà-hạp, hảo-hạp, ám-hạp, ưa-hạp, không hạp, hạp-nhãn...

Đào-Duy-Anh :
Hạp như Hợp.
Hợp 合 : hợp nhau, dống (sic) nhau, đối-chiếu nhau. Chữ tỏ ý tóm quát.
Hợp-biện, hợp-cách, hợp-chủng-quốc, hợp-cổ, hợp-đồng, hợp-ý, hợp-lão, hợp-lực, hợp-mưu, hợp-nghị, hợp-nhất, hợp-pháp, hợp-phù, hợp-quần, hợp-tác, hợp-tấu, hợp-thời, hợp-thức.

Việt-Nam tự-điển :
Hợp
合 . Hoà đồng với nhau : tâm-đồng ý-hợp, hợp-cách, hợp-đồng, hợp-cổ-phần, hợp-quần, hợp-thức, Hợp-chủng-quốc...

Thiều-Chửu :
Hợp 合 1 hợp : đồng-tâm hợp-lực
2. góp lại : hợp-tư
3. liên-tiếp : hợp-vi
4. hợp-cách : hợp-pháp, hợp-thức
5. ăn khớp : phù-hợp, hợp-khoán
6. gộp cả : hợp-hương, hợp-ấp
7. cõi, bốn phương : lục-hợp
8. Hai bên cùng làm tờ ký kết với nhau : hợp-đồng

Với Thiều-Chửu, đồng-tâm hiệp ( 協 ) lựcđồng-tâm hợp ( 合 ) lực, đều dùng như nhau, vì thế mới có sự hỗn-hợp, như ta thấy ngày nay.

Riêng Đại-Nam quấc-âm tự-vị, có tiếng hạp cũng đọc hiệp 合, nhưng ngày nay tiếng nôm còn giữ, hạp-ý hạp-nhãn mà thôi.
Còn Đào-Duy-Anh thì Hiệp- ( 協 ) chúng-quốc, trong Việt-Nam tự-điển thì Hợp ( 合 ) chúng-quốc.

Ngoài ra, trong Đại-Nam quấc-âm tự-vị có tiếng hiệp, tiếng nôm, có nghĩa là « đồ sành, đồ da siêu nắn tròn tròn mà mỏng, trên có nắp đậy ».

Tóm lại, có khuynh-hướng dùng hiệp 協 cho đồng-tâm hiệp-lực, hiệp-định, hiệp-ước... và hợp 合 cho hoà-hợp, hợp-tấu...

Với lại, tiếng Họp, tiếng nôm, P. Của ghi « nhóm lại : họp nhau, họp mặt » Việt-Nam tự-điển ghi : Họp : tụ-hội : họp việc làng, họp hội-đồng, thì người miền Nam ngày nay lại dùng chung là hợp : hộp-hợp, hợp hội-đồng...

Theo những điều nhận-xét trên, dựa vào các tự-điển, chúng tôi nghĩ nên phân-biệt hai tiếng Hiệp 協 và Hợp 合 .

Hiệp 協 là " nhập làm một, hoà nhau giúp-đỡ " : đồng-tâm hiệp-lực, hiệp-định, hiệp-ước...

Hợp 合 là " hợp nhau, giống nhau, hoà đồng với nhau " : hợp-cách, hợp-nhất, hợp-tấu, hợp-tác, hợp-thời, hợp-thức...

LÊ-NGỌC-TRỤ
Nội san Danh-từ chuyên-môn 9, 1.1975 (Đặc-san Xuân)

0 comments: