Về lối viết tên họ Việt-Nam / Lê-Ngọc-Trụ

Có nhiều học-giả chủ-trương khác nhau, vì thế nên áp-dụng lối viết tên và họ khác nhau :

1) Không dùng gạch-nối giữa tên và họ, và tiếng lót nếu có, dựa theo lối viết của người Pháp và người Trung-Hoa, cho rằng giữa họ và tên không có quan-hệ nhau về ý-nghĩa.

Như Nguyễn Du là ông tên Du của dòng họ Nguyễn. Ông Lê văn Hưu, bà Đoàn thị Điểm là ông tên Hưu của dòng họ Lê, tiếng lót « văn » để chỉ phái nam ; bà tên Điểm của dòng họ Đoàn, tiếng lót « thị » để chỉ phái nữ.

Những tiếng lót : văn, thị, mạnh, trọng, quý, thúc, bá, xuân, thu... chỉ để chỉ ngôi thứ hoặc dùng phân-biệt chi-phái khác nhau của mỗi họ, chớ không có nghĩa gì đến tên của người, vì thế chữ lót viết rời và không hoa.

Khi nào họ kép hoặc họ đôi, hay tên kép, mới có gạch-nối.

Họ kép như họ Nguyễn-phước, Lê-duy... thì tiếng thứ nhì không hoa. Họ đôi là do hai họ kết-hợp lại, như Đặng-Trần, Nguyễn-Huỳnh..., vì do hai họ hợp lại, nên phải viết hoa hết.

Tên kép thường do hai tiếng kết-hợp lại thành một mỹ-danh có ý-nghĩa tốt đẹp, như Anh-Hùng, Bạt-Tụy, Tuấn-Kiệt, Tất-Thắng, Văn-Minh..., nên viết có gạch-nối.

Tên kép nầy có người viết hai tiếng hoa hết vì cho là đặc-danh, có người viết chữ thứ nhì không hoa vì cho là một từ-ngữ : Anh-hùng, Bạt-tụy, Tuấn-kiệt, Tất-thắng, Văn-minh...

2) Không dùng gạch-nối giữa họ, tên và tiếng lót, nhưng viết tiếng lót hoa, vì cho là đặc-danh, tên riêng của mỗi người : Nguyễn Văn Xuân, Lâm Ngọc Diệp, Trần Trọng Kim, Đỗ Quý Anh...

3) Viết có gạch-nối giữa họ, tên và tiếng lót, những tiếng lót không hoa, cho rằng cả ba tiếng góp lại chỉ một người, tiếng lót không hoa để phân-biệt với tên : Nguyễn-văn-Tố, Trương-vĩnh-Ký, Trần-trọng-Kim...

Lối nầy dường như không kể về tên kép, họ kép, họ đôi ; trong ba tiếng, tiếng giữa là tiếng lót.

4) Công-báo Việt-Nam cũng theo lối nầy : trong ba tiếng, tiếng giữa là tiếng lót, không viết hoa, nhưng không dùng gạch-nối : Nguyễn văn Tố, Trương vĩnh Ký, Trần trọng Kim...

Khi họ và tên có tới bốn tiếng, thì hai tiếng sau viết hoa, mà cũng không có gạch nối : Lê thị Ngọc Diệp, Nguyễn hữu Minh Châu, Võ trọng Phát Đạt...

Khi tên họ những vị được dùng đặt tên đường hay tên cơ-sở nào thì viết có gạch-nối giữa tên, họ với tiếng lót, và tiếng lót không hoa : đường Trương-vĩnh-Ký, Dưỡng-trí-viện Nguyễn-văn-Hoài.

5) Viết có gạch-nối giữa tên, họ với tiếng lót và hoa hết, vì cho nhóm tiếng ấy kết-hợp lại chỉ một người, và vì là đặc-danh nên viết hoa để tôn-trọng người : Phan-Bội-Châu, Lê-Văn-Minh, Nguyễn-Hữu-Phước, Đặng-Phát-Đạt, Trương-Vĩnh-Ký, Huỳnh-Tịnh-Của...

Chủ-trương không dùng gạch-nối giữa họ và tên rất dễ thi-hành khi họ và tên chi có một tiếng : Phạm Quỳnh, Phan Khôi... Nhưng họ lại có họ đôi, họ kép ; tên thì có tên kép ; giữa họ và tên lại có tiếng lót.

Họ đơn có lối 300 họ, không thay đổi.

Họ đôi tương-đối ít, dễ nhận được, như : Đặng-Trần, Nguyễn-Huỳnh, Bùi-Lê, Nguyễn-Trần, Đặng-Vũ...

Họ kép thì nhiều, lại khó nhận, vì không biết tiếng thứ nhì là tiếng họ kép hay tiếng lót : Nguyễn-phước, Nguyễn-hữu, Nguyễn-đình, Nguyễn-tấn, Nguyễn-ngọc, Nguyễn-cao, Nguyễn-duy, Nguyễn-thế, Nguyễn-khắc, Nguyễn-thọ...

Giữa họ và tên, người ta dùng tiếng lót hoặc để phân-biệt nam (văn), nữ (thị), hoặc để dùng chỉ chi-phái : mạnh, trọng, quý, thúc, bá...

Khi đặt tên con, người ta lựa mỹ-danh có ý-nghĩa tốt đẹp, thường là từ-ngữ hai tiếng. Có khi chọn từ-ngữ có ý-nghĩa tốt đẹp như : anh-hùng, bạt-tụy, thành-công, đắc-thắng... mà bỏ tiếng « văn » là tiếng lót. Có khi mượn tiếng lót, hoặc tiếng thứ nhì của họ kép mà đặt tên được thành : Văn-minh, Văn-nhã, Văn-hiến, Hữu-nghị, Tấn-phát, Duy-tân, Cao-kiến, Minh-châu... Thành thử, Nguyễn văn Văn-Minh, còn Nguyễn Văn-Minh, Lê-hữu Hữu-Nghị, còn Lê Hữu-Nghị, tiếng lót hoặc họ kép bị hỗn-hợp vào tên.

Lựa tên tốt cho con là Văn-Minh, Văn-Hiến, Văn-Nhã, nhưng vì văn thường là tiếng lót. Thành ra người ta không để ý đến mỹ-danh ấy lại cho là Lê văn Minh, Lê văn Hiến, Lê văn Nhã, rồi theo tiếng chót mà gọi tên là Minh, Hiến, Nhã.

Vậy Văn khi là chữ lót thì viết thường : văn và không gạch-nối với tên : Lê văn Minh ; khi hỗn-hợp thành mỹ-danh thì lại viết hoa và có gạch-nối : Lê Văn-Minh.

Trường-hợp họ kép hỗn-hợp với tên thì lại rắc-rối : họ kép Nguyễn-hữu và tên là Hữu-Nghị ; không biết phải viết Nguyễn hữu Nghị hay là Nguyễn Hữu-Nghị.

Trường-hợp tiếng chi, trong Hán-văn nó không có nghĩa gì ; nó chỉ giúp cho tiếng đứng trước được lọn ý và xuôi tai mà thôi : Quán-chi, Đĩnh-chi, Đổng-chi, Hiệt-chi ; đúng ra nó như là tiếng lót, nhưng đứng ở sau, thay vì ở giữa ; vì thế, nó viết không hoa và có gạch-nối. Nếu theo lối của Công-báo Việt-Nam, không dùng gạch-nối và viết hoa tiếng thứ ba, thì tiếng Chi viết hoa, mấy tiếng quán, đĩnh, đổng, hiệt viết không hoa và rời ra, nghĩa là trở thành tiếng lót.

Như vậy phải tùy nghĩa mà dùng hay bỏ gạch-nối, viết hoa hay viết thường.

Lối viết có gạch-nối mà chữ thứ nhì không hoa như : Nguyễn-đình-Chiểu, Phan-bội-Châu... thì chữ thứ nhì kể như tiếng lót hết, không còn giữ tánh-cách họ kép Nguyễn-đình hay tên kép Bội-Châu (đeo ngọc) nữa.

Tóm lại, chủ-trương viết rời, theo họ kép tên kép mà viết hoa hay không, rất hợp-lý khi ta biết rõ chắc chắn mỗi danh-nhân nhưng trở nên khó-khăn, khi tiếng lót hỗn-hợp vào tên thành tên kép hoặc tiếng đầu của tên kép bị hỗn-hợp vào họ thành họ kép, lúc ấy, gạch-nối đã bị đổi chỗ, và cách viết hoa hay viết thường cũng bị đảo lộn.

Chủ-trương viết có gạch-nối, vì nhóm tiếng ấy chỉ riêng một người, và viết hoa tất cả, vì là đặc-danh, phải tôn-trọng tên riêng của mỗi người, chủ-trương nầy tuy không hoàn-toàn hợp-lý, nhưng giữ được tánh-cách nhứt-trí. Họ đôi, họ kép hoặc tên kép, tuy không được phân-biệt rõ-ràng, chớ không hẳn bị sai-lầm. Với chủ-trương viết rời, mà mình không biết rõ tên người ấy, nhè tên kép lại sắp vào họ kép, thì sự sai-lầm sẽ hiển-nhiên.

Ta lại còn có tên tự, biệt-hiệu, bút-hiệu... tên thụy và niên-hiệu mỗi triều-đại : Sào-Nam, Tản-Đà, Sĩ-Tải, Lệ-Thần, Ưu-Thiên, Thái-Tổ, Gia-Long, Minh-Mạng...

Có người chủ-trương viết chữ đầu hoa và có gạch-nối : Sĩ-tải, Lệ-thần, Gia-long, Minh-mạng... Có người viết hoa hết, vì cho là đặc-danh, nhứt là niên-hiệu, khi xưa lại càng phải tôn-huý. Ông Léopold Cadière, trong bài Tableau chronologique des dynasties annamites, cũng viết hoa hết : Nguyễn Phúc-Khoát, Thế-Tôn, Hiếu-Võ Hoàng-Đế...

Qua những nhận-xét trên, để tiện việc nhứt-trí lối viết, chúng tôi thấy nên dùng gạch-nối giữa nhóm họ và tên để chỉ một người, và nên viết hoa tất cả, luôn về biệt-hiệu, niên-hiệu để tôn-huý, đúng theo phong-tục Việt-Nam :

Sào-Nam Phan-Bội-Châu, Sĩ-Tải Trương-Vĩnh-Ký, Tiên-Điền Nguyễn-Du, Gia-Long, Minh-Mạng...

Riêng giữa họ và biệt-hiệu và niên-hiệu, không dùng gạch-nối :

Phan Sào-Nam, Nguyễn Tiên-Điền, Lý Thái-Tổ, Lê Chiêu-Thống.

Trên đây là ý-kiến của chúng tôi, dám mong được lãnh ý quí vị học-giả cao-minh. (1)

LÊ-NGỌC-TRỤ
7/6/69
Nội san Danh-từ chuyên-môn 2, 5.1970

0 comments: