Giải đáp thắc mắc bạn đọc (Văn 23) / Lê-Ngọc-Trụ

* Bạn Liễu Xuyên Nhân ở Đà-nẵng hỏi :

« Tại sao khi nhà nước lập lên một ngôi trường thì đề là « Trường Công-lập ». Còn khi một tư-nhân bỏ tiền lập lên một ngôi thì không viết là « Trường tư lập » mà lại viết là « Trường tư-thục ». Thưa ông, chữ
« thục » ở đây có nghĩa là « tư » hay là « trường » ? Nếu làthì viết « tư thục », theo thiển-ý của tôi thì dư một chữ tư. Nếu là « trường » thì cũng dư một chữ trường. Vì tôi thấy các trường đề là « Trường Trung-học tư-thục Nguyễn Công Trứ, Tây-Hồ v.v » Vậy nhờ ông minh-xác cho. »

ĐÁP :

Theo Hán-Việt tự-điển Thiều Chửu, « Thục là cái chái nhà. Gian nhà hai bên cửa cái gọi là thục. Là chỗ để cho con em vào học, cho nên gọi chỗ chái học là gia-thục.

« - Đời sau nhân thế mới gọi tràng học tư là tư-thục mà gọi thày học là thục-sư vậy. »
Việc giáo-huấn ở Trung-Hoa cổ, nơi hương-đảng có TƯỜNG (1), tại nhà có Thục, trong một toại (một khu-vực có mười hai ngàn năm trăm nhà (12500) có tự, trong nước có học. (Cổ chi giáo giải đảng hữu Tường, gia hữu Thục, toại hữu tự, quốc hữu học). Học là tổng-danh của hiệu (trường học ở làng), tườngtự, nghĩa là các trường công-lập ; ngày nay gọi học-đường hoặc học-hiệu.

Trường tư gọi là tư-thục và cũng gọi là tư-lập-học-hiệu cũng như gọi trường công là công-lập học-hiệu.

Từ ngữ tư-thục dùng gọi « trường tư » được thông dụng trong tiếng Việt, người Hoa-Kiều lại ít dùng, vì cho rằng nó gợi đến những « trường của mấy ông đồ thời xưa ». Bởi thế, họ dùng từ-ngữ « tư lập học-hiệu », « tư-lập trung-học học-hiệu » hoặc « tự-lập trung-học hiệu » thay vì « tư-thục » hay « tư-thục trung-học ».

Vậy « thục » là chỗ dạy học do tư-nhân lập ra ; muốn cho rõ ý, người ta thêm chữ thành « tư thục » để phân biệt với « gia thục », là « chái nhà để cho con em học », mà khi xưa, nhà khá-giả thường rước thầy đồ đến ở dạy con em. Còn « học đường », « học hiệu » là « trường học », trường của nhà-nước lập ra. Ngày nay, có nhiều loại trường : « trường bán-công », « trường tư-lập » hoặc « tư-thục » nên thêm từ-ngữ « công-lập » (trường công-lập) để phân-biệt, chớ thuở trước chỉ dùng tiếng « trường-học », hoặc « trường » để gọi trường của chính-phủ lập ra : trường làng, trường tổng, trường tỉnh v.v.

Theo tu-từ-học, đúng như ông bạn độc-giả đã nêu ra, thục là « trường của tư-nhân » thì viết « trường tư-thục » có dư một ý « trường » (tư-thục, như đã nói ở trên, cũng dư một ý « tư » nhưng dùng để phân-biệt với gia-thục), nên viết « trường », hoặc « trường tư-lập » hoặc theo Hán-văn, « tư-thục » bỏ tiếng « trường » đứng trước, thì đúng hơn.

Tuy vậy, khi ta viết văn Việt, nếu giữ đúng tu-từ-học thì càng tốt, để tránh lặp lại ý (pléonasme), nhưng cũng có thể châm-chước, vì lý-do như sau.

Ngữ pháp Việt là lối đặt xuôi. Trong từ-ngữ « trường-tư », tiếng đứng trước (trường) gợi hình-thức sự vật một cách tổng-quát, vì vậy, nghĩa của nó chưa được rõ-ràng, cần phải được chỉ-định bằng ngữ-tố « tư », để cho biết rõ đặc-tính của nó. Ta sẽ hỏi « trường » gì ? Nó phải được chỉ-định cho rõ nghĩa bằng một từ bổ-túc, hoặc « công » (trường công), hoặc « tư » (trường tư), hoặc « trung học » (trường trung-học) v.v... Vậy, theo ngữ-pháp Việt, phần được chỉ-định (trường) đứng trước, phần chỉ-định () đứng sau. Đó là hợp với đặc tính Việt-Nam. Khi phát-biểu ý-kiến, ta nói đến ý « chánh » trước, đó là sự-vật tổng quát, rồi dùng ý « phụ » bổ-túc sau, để xác-định cho rõ nghĩa của ý « chánh » ấy.

Ngữ-pháp Hán, trái lại, theo lối đặt ngược : tiếng được chỉ định (thục) lại ở sau tiếng chỉ-định (), nghĩa là ý « phụ », () bổ-túc cho ý « chánh » (thục), lại đứng trước. Vì vậy, với từ-ngữ Hán-Việt, có nhiều học-giả đề-nghị dùng gạch-nối giữa hai tiếng, như thục của thí-dụ dẫn ra : tư-thục, để tránh sự hiểu lầm, vì nó là một « từ kép ». Còn với tiếng Việt « trường-tư », thì không dùng gạch-nối, vì cho nó là một « từ chắp », ngữ-tố « tư » chắp một cách lỏng-lẻo vào ngữ-tố « trường » để chỉ một ý-niệm.

Từ-ngữ « tư-thục » viết với gạch-nối, là một từ kép, bởi hai tiếng nầy phối-hợp chặt-chẽ thành một khối để chỉ một ý-niệm, nên không thể tách rời ra.

Vì lẽ đó, khi ta viết theo ngữ-pháp Việt, thì ý chánh là « Trường » được nêu ra trước, các ý phụ bổ-túc cho rõ nghĩa được lần lượt nêu ra sau : trường gì ? - trường trung-học ; của ai ? - của tư-nhân (tư-lập) ; tên hiệu gì ? - Nguyễn Công Trứ. Kết quả là « Trường Trung-học tư-lập Nguyễn-Công-Trứ ». Nhưng, như đã nói ở trên, ta thông-dụng từ-ngữ « tư-thục » để gọi « trường tư » hơn là « tư-lập học-hiệu », mặc dầu có ghi trong Hán Việt từ-điển Đào-Duy-Anh và Nguyễn-văn-Khôn.
Nếu muốn giữ tiếng thục, và không muốn dùng từ-ngữ « tư-lập », thì phải dùng Hán-tự « tư-thục » và bỏ tiếng « trường » đứng trước, là tiếng Việt-Nam, gồm ý tổng-quát.

Trường-hợp này cũng giống trường-hợp những tiếng : đường xa-lộ, đường thiết-lộ, sông Cửu-Long-Giang, sông Hồng-Hà, đằm Dạ-Trạch, núi Hồng-Lĩnh, núi Thái-Sơn « đề-cập đến » v.v... nghĩa là những tiếng Hán-việt dùng theo ngữ-pháp Việt.

Người hành-văn kỹ chỉ viết : xa lộ, sông Hồng, sông Cửu-Long, núi Hồng, « đề-cập » hoặc Cửu-Long Giang, Hồng-Lĩnh, bỏ tiếng « sông », « núi » ở trước. Nhưng thông-thường, người ta cũng châm chước mà dùng những từ kép « xa-lộ », « thiết-lộ », « Hồng-Hà », « Thái-Sơn » liền theo sau những tiếng Việt : đường, sông, núi, cũng như « trường », là từ ngữ có tính-cách tổng-quát, như câu :

... Công cha như núi Thái-Sơn...

Có thể vì lý-do ấy, mà người ta không cho rằng đây là một « lỗi » về văn-phạm.

Tóm lại, viết « trường tư-lập », « trường tư » thì rất đúng. Viết « trường tư-thục », thì có dư một ý « trường », song vì tập-quán muốn dùng tiếng « thục » hoặc từ kép « tư thục »; trong ngữ-pháp Việt, người ta cũng châm-chước viết « trường tư-thục ». Nếu giữ cho thật đúng tu-từ-học, trong tiếng Việt, phải bỏ tiếng « thục » chỉ viết trường tư là đủ, vì dùng từ-ngữ tổng-quát trường để nêu ý chánh, chớ không bao giờ dùng « thục » nói « trường-tư » chớ không nói « thục tư » như từ-ngữ chữ Hán đã đặt ngược : tư-thục.

Còn nếu bỏ chữ « trường » đứng trước để dùng từ kép tư-thục thì phải dùng theo ngữ-pháp Hán. Và « Trung-học tư thục Nguyễn-Công-Trứ » trở thành « Nguyễn-Công-Trứ tư-thục trung học ». Lối này, người Việt không dùng.

LÊ-NGỌC-TRỤ
Văn 23, 1.12.1964

0 comments: