Giải đáp thắc mắc bạn đọc (Văn 64) / Lê-Ngọc-Trụ

* Bạn Tam-Ích, nhà văn, Sài-gòn hỏi :

1) Theo sách vở thì Lữ-Bất-Vi đời Chiến-quốc giao cho tân-khách của ông ta soạn bộ Lã (Lữ) Thị Xuân-Thu ; về sau khi các nhà tri thức trong hàng tân-khách của họ Lữ soạn xong thì Bất-Vi tuyên bố sẽ thưởng ngàn vàng cho ai sửa được một chữ - nghĩa là cứ mỗi chữ sửa được là một ngàn, hai chữ hai ngàn... v.v.

Vậy bộ sách ấy vào thời nhà Tần, đã gây những trường-hợp nào lý-thú trong văn-học ? (Chẳng hạn như có ai chữa được chữ nào không ?). Từ thời ấy đến hiện-đại, bộ sách ấy gặp những biến-cố gì ? Hiện thời nó ở đâu và trở nên sách gì với cái tên gì... Một bộ sách mà một chữ đáng một ngàn vàng hẳn là không thể một sớm mai một, kể cả là nó trở nên « hủ » đối với hiện-đại... không để lại một dấu vết gì.

TRẢ LỜI :

Có hai thoại về bộ Lã (Lữ) thị Xuân-Thu : thoại thứ nhất nói bộ sách soạn hồi Lữ Bất-Vi làm tướng quốc nước Tần ; thoại thứ nhì, nói sách soạn hồi lúc Bất-Vi sang Thục.

1- Sử chép Lữ Bất-Vi liệt truyện :

« Nhằm lúc thái tử Chính được lập làm vua, Lữ Bất-Vi, một đại thương gia ở đất Dương-địch (tỉnh Hà-nam), được tôn làm tướng quốc và hiệu xưng Trọng-Phủ.

« Thời bấy giờ, nước Ngụy có Tín-Lăng-Quân, nước Sở có Xuân-Thân-Quân, nước Triệu có Bình-Nguyên-Quân, nước Tề có Mạnh-Thường-Quân đều là người biết hạ mình kính trọng kẻ sĩ để tranh tân khách trong thiên hạ về với mình, Lữ Bất-Vi thấy nước Tần lớn, mạnh mà thua các nước khác thì lấy làm hổ thẹn nên cũng nhiệt tâm đón rước tân khách các nước về Tần có tới ba ngàn người.

« Những tay có tài biện thuyết nổi tiếng khắp chư hầu hồi đó rất nhiều, như bọn ông Tuân-Khanh làm sách tung ra khắp thiên hạ, khiến họ Lữ phải thúc đẩy bọn tân khách của mình, ai nấy cùng gom góp sở văn, sở kiến làm thành một bộ gồm 26 quyển, chia làm 3 phần : « Bát lãm », « Lục luận », « Thập nhị kỷ » tất cả 160 thiên, trên 20 vạn lời, bao hàm các việc cổ kim muôn vật trong trời đất, và mạng danh là Lã (Lữ) thị Xuân-Thu.

« Khi sách soạn xong, đem bày ra ngoài cửa thành Hàm-dương cho thiên hạ xem, trên sách có treo ngàn lượng vàng, mời chư hầu du sĩ tân khách, hễ ai có thể thêm bớt được một chữ thì trao tặng số vàng ấy. Thời bấy giờ, chẳng có ai có thể thêm bớt được. »

Cao-Dụ đời Hán chú giải và huần hỗ bộ sách nầy, cho rằng : « Không phải là không có ai có thể sửa nổi, chẳng qua là người thời bấy giờ ai cũng sợ cái thế (của Bất-Vi) mà thôi. Xét như việc ngày trước, bài luận của Trương-Hầu được đời quý trọng, tập chú thích Ngữ-Kinh của Thôi-Hạo được các học giả chuộng ưa, cái thế của hai người ấy còn khiến cho sách được lưu truyền đến như thế, huống chi kẻ có quyền vị tột bực như Lữ Bất-Vi thì các học giả đâu dám nghịch ý gã mà nghĩ đến chuyện sửa chữa câu sách làm gì ? »

2- Thoại thứ nhì, theo Thái-Sử-công tự tựa, và sách Hán-thư, Tư-Mã-Thiên truyện, thì Lã-thị Xuân-Thu (cũng gọi Lã-lãm) làm ra vào thời kỳ Bất-Vi thiên sang đất Thục (Bất-Vi thiên Thục thế truyền Lã-lãm)

Thoại nầy, Phương-Hiếu-Nhu, đời Minh đả kích, cho lời chép của Thái-Sử-công là sai. Ông viết : « Sách Lã-thị Xuân-Thu có 12 « kỷ », 8 « lãm », 6 « luận », gồm 160 thiên. Đây là cuốn sách của Lữ Bất-Vi, khi làm tướng quốc nước Tần, khiến bọn tân khách làm ra. Thái-Sử-công lại chép rằng : « Bất-Vi khi sang đất Thục làm ra sách Lã-lãm ». Ôi ! Bất-Vi vì bị nghi phải bỏ nước Tần mà đi được hơn một năm, sợ tội, phải uống thuốc độc tự tử, thì làm gì có tân khách, và còn thì giờ đâu mà soạn sách ! Hơn nữa, Sử lại chép : « Bất-Vi khi soạn sách xong có bày ra ngoài cửa thành Hàm-dương cho thiên hạ xem, và treo trên đó ngàn vàng để thưởng cho người nào thêm bớt được một chữ », thì Bất-Vi lúc này đã sang Thục, còn bày sách làm sao được ở thành Hàm-dương. Lấy đó mà suy, sách nầy tất phải làm ra từ hồi Bất-Vi còn là tướng quốc nước Tần, mà Thái-Sử-công đã chép sai là làm vào hồi Bất-Vi bị thiên sang Thục. »

- Về số quyển của bộ sách nầy thì phần lớn những kinh tịch đều ghi : 26 quyển ; bộ Trực trai thư lục giải đề tạp gia loại ghi tới 36 quyển, còn bộ Văn-hiến thông khảo, Kinh tịch tạp gia loại lại ghi có 20 quyển.

Tóm lại, Lã-thị Xuân-thu, cũng gọi Lã-lãm gồm 26 (hai mươi sáu) quyển. Theo tựa sách cổ đề là Lữ (Lã) Bất-Vi đời Tần soạn. Nhưng thật ra, do Bất-Vi sai các tân khách của ông làm ra, khoảng năm thứ tám đời Tần-Thỉ-Hoàng (239 trước Chúa Giáng-sinh). Sách phân làm ba phần : Thập nhị kỷ (63 thiên), Bát lãm (61 thiên), và Lục luận (63 thiên), tất cả 160 thiên, gồm hơn 20 vạn lời. Đại để lấy thuyết nho gia làm chủ yếu, và tham dẫn đạo gia, Mặc-gia nên phần lớn dẫn văn trong Lục tịch, bao hàm các việc cổ kim muôn vật trong trời đất. Tự đời Hán về sau, chỉ có Cao-Dụ chú giải, huấn hỗ giản chất và biện bác bộ sách nầy.

Tứ Khố toàn thư sắp bộ Lã-thị Xuân-thu vào loại Tạp gia của Tử-bộ. Hiện nay, tại Thư-viện Quốc-gia có bộ Lã-thị Xuân-thu, in chung cùng với mấy bộ khác trong cuốn Tử bộ của Tứ-bộ bị-yếu (Thượng-hải, Trung-hoa thư cuộc cứ Bình-Tân-quán hiệu san).

Nhân tiện, xin đính chính lời chú thích của ông bạn Tam-Ích ở trên : « nghĩa là cứ mỗi chữ sửa được là một ngàn, hai chữ hai ngàn... » Nguyên câu Hán-văn là : « bố (hoặc bộc) Hàm-dương thị môn, huyền thiên kim kỳ thượng, diên chư hầu du sĩ tân khách hữu năng tăng tổn nhất tự giả dữ thiên kim » (bày (bộ sách) nơi cửa thành Hàm-dương, treo ngàn vàng trên ấy, mời các chư hầu du sĩ tân khách ai có thể thêm bớt một chữ thì trao tặng ngàn vàng ấy). Ý nói, hễ ai có thể sửa được, dầu chỉ thêm hay bớt một chữ thì được lãnh ngàn vàng, treo trên bộ sách, chớ chẳng phải « cứ mỗi chữ sửa được là một ngàn, hai chữ hai ngàn... »


HỎI :

b) Xin cho biết một số sự kiện về bộ Tứ-khố toàn-thư của văn học Trung-hoa.

TRẢ LỜI :

Về bộ Tứ-khố toàn thư, xin chép ra đây bài « Lịch-sử một pho sách khổng lồ trên thế giới » của VIÊN-GIÀ trích dịch theo Trung-quốc văn-học-sử của Hồ-Hoài-Thâm, đăng trong Đại-Việt tạp-chí, số 3, ngày 1-11-1942, tr. 35-37.

« ... Bộ sách nầy làm về đời Càn-long nhà Thanh, sách vở xưa nay, gom góp hầu hết. Trọn bộ kể có 36.275 cuốn, chép ra gồm 7 bộ, dùng 1.500 người viết, trải 13 năm mới cáo thành.

« Hiện nay, trong 7 bộ đó, chỉ còn có 3 bộ rưỡi, gần đây lại chia tặng cho nước Pháp một bộ ; thế là trong toàn thế giới còn có ba bộ rưỡi, mà ở nước Tàu chỉ còn hai bộ rưỡi mà thôi. Giá trị của bộ sách ấy quí đến bực nào, tưởng ai nấy cũng đã biết. Nay xin thuật đại lược nội dung ra sau nầy :

1) Số trang.- Nội dung chia ra làm Kinh, SỬ, Tử, Tập bốn loại, gồm có 36.275 cuốn, 2.290.096 trang, đóng vào 6.144 hòm.

2) Số bộ.- Loại sách chép giống nhau, 4 bộ viết trước, sau viết thêm 3 bộ, cọng thành 7 bộ.

3) Người biên tập.- Vua Càn-Long nhà Thanh sai Kỷ-Duân làm Tổng-toản soạn bộ sách ấy.

4) Người đằng tả.- Tất cả 7 bộ đều chép bằng tay, dùng 1.500 người viết, kể đến 9 năm mới xong. Trọn 7 bộ sách, chữ viết tốt và ngay ngắn, không có chỗ nào lầm lỗi sai sót hết. Sau khi sách viết xong, những người sao tả đều được bổ ra làm tri huyện, để đền công khó nhọc.

5) Thời gian làm sách.- Kể từ bắt đầu sưu tập cho đến khi cáo thành, trải một thời gian lâu đến 13 năm.

6) Chỗ để sách.- Bốn bộ xong trước, làm ra bốn cái các để chứa :
. a) Các Văn-Uyên ở trong cung Bắc-kinh ;
. b) Các Văn-Nguyên ở vườn Viên-Minh, Bắc-kinh ;
. c) Các Văn-Tân ở Nhiệt-hà ;
. d) Các Văn-Tố ở Phụng-thiên.
Sau tục thêm ba bộ, lại làm riêng ba các chưa sách nữa.
. a) Các Văn-Hối ở Đại-quan-đường, Dương-châu ;
. b) Các Văn-Tôn ở Kim-sơn-tự, Trấn-giang ;
. c) Các Văn-Lan ở Tây-hồ, Hàng-châu.

7) Sách bị tan mất sau những cơn loạn lạc.- Trọn bộ sách ở vườn Viên-Minh bị hủy vào hồi Anh-Pháp liên-quân (18-10-1860) ; hai bộ ở Dương-châu và Trấn-giang bị hủy hồi cuộc loạn họ Hồng, Dương; còn bộ ở Hàng-châu thì trong khi cuộc loạn Hồng, Dương, bị mất hết hơn nửa ; sau khi loạn yên, người ở Hàng-chau là Đinh-tùng-Sanh tìm tòi sách sót, chỉ còn có hai phần ba, tức là nửa bộ như trên đã nói : cho nên ngày nay còn lại chỉ có 3 bộ ở Bắc-kinh, Phụng-thiên, Nhiệt-hà, và nửa bộ ở Hàng-châu mà thôi. Có một lúc, vị quán trưởng Đồ-thư-quán ở Hàng-châu là Lưu-Tuân muốn phái người đến Bắc-kinh, để sao bổ những sách tản mất, cho được trọn bộ, nhưng vì hội nghị tỉnh Chiết-giang bác bỏ, nên công việc lại phải ngưng.

8) Sách tặng nước Pháp.- Dân quốc năm thứ Chín (1921) quan Tổng-lý nước Pháp trước là ông Painlevé, qua chơi nước Tàu, thay mặt cho trường Đại-học ở Paris xin chánh phủ Tàu được một bộ. Người Nhật-bổn và các học giả ở các nước khác cũng đều muốn có một bộ nhưng chưa thể được.

9) Công cuộc ấn loát khó khăn.- Chánh phủ Trung-hoa Dân-quốc nghĩ bộ sách ấy quí giá như vậy, nên định in ra 200 bộ để làm kế bảo tồn và lưu hành. Ngày một tháng Mười năm thứ Chín, ông Tổng-thống ra lịnh cho Châu-khải-Kiềm làm tổng tài về việc coi in bộ Tứ-khố toàn-thư. Dự định in thành 200 bộ, phải trải qua một thời kỳ từ năm năm đến mười năm ; nhưng hiện thời bấy giờ giấy trong toàn nước Tàu không đủ để mà in. Lúc ấy có mời Trương-cúc-Sanh là Tổng-lý Thường-vụ Ấn-thư-quán ở Thượng-hải, vào kinh thương nghị việc đó, nhưng Trương nghĩ việc ấy lớn lao quá, thư-quán ông không thể đảm nhiệm nổi...

10) Tổng mục đề yếu.- Trong khi biên soạn bộ sách ấy, Kỷ-Duân lại có biên thành Tứ-khố toàn-thư tổng-mục đề-yếu 200 cuốn, Tứ-khố toàn-thư giản-minh mục-lục 20 cuốn, đều có bản khắc và bản khắc lại. Càn-long năm thứ 58, Hồ-Kiều ở Đông-thành lại khắc 10 quyển Tứ-khố toàn-thư phụ-tồn mục-lục mà họ đã biên được, nhưng chép tên sách và tên người soạn thuật, chớ không có đề yếu. Đến Đồng-trị năm thứ Chín, Văn-Lương ở Phí-Mạc lại khắc 20 quyển Tứ-khố toàn-thư mục-lục mà họ cũng đã biên được.

11) Những sách chưa gom hết.- Sau khi Tứ khố toàn thư cáo thành rồi, Nguyễn-Nguyên lại tìm thêm được những thứ sách mà Tứ-khố toàn-thư chưa gom hết có đến 173 thứ ; phỏng theo Kỷ-Duân làm ra 5 cuốn đề yếu, để tên là Nghiên kinh đường ngoại tập, san vào trong tập Văn tuyển lâu. Đến hồi Quang-Tự, Phó-dị-Lễ lại sửa soạn lại, biên làm 4 cuốn, đổi tên là Nghiên kinh đường tiến trình thơ lục, san vào tập Thất lâm đường hiệu lục vậng hàm. Ta nên nhớ rằng lúc trào Thanh còn thịnh, lưới bủa làng văn, rất là nghiêm nhặt, phàm những trước tác của di dân nhà Minh, mà hơi có thiệp hiềm nghi, thì hoặc tiêu hủy hẳn, hoặc trích ra mà hủy bỏ. Phàm những thứ đã bị tiêu hủy đó, cố nhiên là không được chép vào Tứ-khố toàn-thư ; còn những hạng sách về loại ấy mà các tư gia đã giấu được, thì trước hồi Quang-Tự không ai dám đưa ra. Đến cuối đời Quang-Tự, mới lần lần xuất hiện, nhưng mất mát đã không biết bao nhiêu rồi. Đến nay những sách có cung cho ta khảo chứng, chỉ còn có một quyển Tiêu-hủy trừu-hủy mục-lục, một quyển Cấm-thơ mục-lục, và một quyển Vi-ngại thơ-mục là những bản khắc về hồi Càn-Long năm thứ 53, và gần đây cũng có mấy bản mới in lại. (Trích dịch theo « Trung-quốc văn-học-sử » của Hồ-hoài-Thâm).

Năm Càn-Long thứ 37 (1772) đời Thanh, vua xuống chiếu lập Tứ-khố toàn-thư quán, truyền thâu tập các loại thư tịch cổ kim trong xứ. Trải mười năm biên tập, bộ Tứ-khố Toàn-thư thứ nhất hoàn thành vào năm Nhâm-dần (1782), Càn-long thứ 47, và tàng trữ tại Văn-Uyên các trong cung Bắc-kinh. Sách chia làm bốn bộ : Kinh, Sử, Tử, Tập, nên gọi là Tứ Khố hoặc Tứ Bộ, có 3460 chủng, gồm cả thảy được 79.339 quyển.

Sáu bộ sau kế tiếp như đã nói ở trên. Để kỷ niệm ba mươi nam khai nghiệp Thương-vụ ấn-thư-quán có trình thỉnh chánh phủ (Trung-hoa), mượn bộ Tứ-khố toàn-thư tại Văn-Uyên-các để ảnh ấn. Trong số các thư tịch ấy, đã lựa chọn những văn phẩm thiết thực và ảnh ấn thành bộ Tứ-khố toàn-thư trân-bản sơ-tập gồm 231 chủng, 1960 cuốn sách cỡ 20 x 13. Bộ sơ tập nầy (231 chủng) mới chỉ là 1/15 của toàn bộ Tứ-khố toàn-thư, nên không có bộ Lã-thị Xuân-thu.

LÊ-NGỌC-TRỤ
Văn 64, 15.8.1966

0 comments: