Tạp ghi những từ-ngữ bàn góp trong các buổi họp để duyệt DANH-TỪ Y-HỌC / Lê-Ngọc-Trụ

CÁI GHẺ dt. (Pháp: Sarcopte de la gale; tiếng khoa-học: Sarcoptes hay Acarus Scabiei : cái ghẻ) những ký-sinh trùng bệnh ghẻ ngứa.
Cái là biến thể của tiếng giái (giới) là ghẻ. Giái, tiếng Trung-Hoa phát âm là kai. Tiếng Hán-Việt giái (giới 疥) chuyển ra tiếng Việt được hai từ :
1. – Ghẻ, danh từ chung để gọi các loại ghẻ
2. – Cái, cái (ghẻ), riêng dùng chỉ các ký-sinh trùng của ghẻ-ngứa.

MỤN BÃ ĐẬU dt. (Pháp, acné sébacé) loại mụn bọc có mủ đặc, mủ trắng đục giống như chất bã đậu, vì vậy mới gọi là mụn bã đậu.

MỤT BÃ-ĐẬU dt. (Pháp, abcès caséeux) nói về khi chích thuốc, lối chích thịt, thường khi chỗ bị làm độc, có mủ trắng-trắng như chất bã-đậu.

DỒI-TRƯỜNG, NỒI-TRƯỜNG dt. Nhơn Bác-Sĩ Trần-Ngọc-Ninh nói đến iléon (ileum) gọi là hồi-trường 迴 腸 tôi nhớ đến cái nồi-trường. Và giáo-sư Phạm-Hoàng-Hộ cho biết cũng nghe gọi là dồi-trường : cái tử cung heo. Tra Đại-Nam Quấc-Âm tự-vị của P. Của : nồi-trường : cái bàn-trường (trong bụng heo cái).
Tra trong Việt-Nam tự-điển của Lê-Văn-Đức thấy ghi, nồi-trường, nội-trường. Nội-trường : tử cung heo. Nhưng tra Từ-Hải, Trung-Văn đại từ-điển không có từ ngữ nội-trường (內 腸) và bàn-trường (盤 腸) ; tiếc rằng tôi không có Y-học tự-điển để tra, dám mong sự chỉ-giáo của Qúy Vị Y-Sĩ Đông-Y.
Nhơn dịp này, tôi tìm hỏi một người Việt gốc Hoa bán thịt heo, thì Ông cũng cho biết không hiểu tại sao người Việt gọi là, nồi-trường hoặc dồi-trường, mấy bà hỏi mua tôi biết mà bán, chớ còn tiếng Quảng-Đông gọi là xáng-trường (生 腸 sinh-trường ; sinh : sinh-sản) tức là tử-cung heo.

Nhơn nói về từ-ngữ duodenum, từ điển Y-học Trung-Hoa dịch là thập nhị chỉ trường 十 二 指 腸 Gọi như thế vì đoạn ruột non ấy dài bằng mười hai (12) ngón tay khít nhau. Bác-Sĩ Cát cho biết duodenum cũng gọi là tá-chỉ-trường hoặc tá-trường cho gọn [ là số từ, chỉ một chục mười hai. Tiếng một tá là biến-trại tiếng đả, của từ-ngữ đả thần 打 臣, phiên-âm tiếng dozen của Anh-ngữ, vì người Trung-Hoa (giọng Quảng-Đông) đọc, tả thành, ta-zen theo giọng quan-thoại]

Về Jejunum, quyển Nouveau Dictionnaire Francais Chinois (Mô-phạm Pháp-Hoa từ-điển) của Cần-Xương-Thuận ghi là đệ-nhị tiểu trường 第 二 小 腸, nhưng theo Bác-sĩ Cát, nên dịch là không-trường 空 腸, gọi như thế, vì đoạn ruột non ấy không có (không) chứa phẩn (cứt) ; tra lại quyển Tối-tân Y-Dược đại từ-điển (A new Chinese-English-Latin medical dictionary) của Hà-Thượng-Vũ, cũng thấy ghi : không-trường 空 腸

* Ủy-Ban đồng ý để nhất-trí lối đặt danh-từ dùng các từ-ngữ sau đây để dịch các tiếp-vĩ-ngữ Pháp.
1) Gel : -giao ; Hydrogel : thủy giao ; Colloide : chất giao-trạng
2) Sol : -dung ; Solution : dung-dịch ; Solvant : dung-môi ; Aérosol : khí-dung ; Hydrosol : thủy-dung
3) Gène : -sinh ; Fibrinogène : sinh -fibrin ; Afibrinogènemie : khiếm-sinh-fibrin-huyết

AFFRONTEMENT Sự đâu mép được chọn thay cho sự giáp mép

AFFUSION sự rưới nước, sự tưới nước, nhưng được chấp-thuận là sự xối nước ; tưới nước để dịch tiếng arroser.
Sau khi xét những tiếng đồng-nghĩa rưới, tưới, giội, xối, tạt...
Rưới (nước) dt. Cho ria nước xuống nhè nhẹ và lải-rải, rưới chút nước cho vừa ướt, (in-ít nước).
Tưới (nước) dt. Cho ria nhiều nước xuống để làm cho ướt : tưới cây, tưới rau. Nước đổ xuống phải có vật gì cho nước ria ra để khỏi trôi đất (nhiều nước).
Giội dt (Bắc) đổ nước nhiều từ trên xuống. (Nam) đổ nước nhiều từ trên xuống, dùng nước tạt mạnh cho trôi vật gì : xách nước giội cầu (tiêu).
Tạt dt. Đổ nước theo một chiều nào đó, thường là chiều ngang; hắt nước.
Xối dt (Bắc). Đổ nước từ trên xuống ; giội nước mạnh. (Nam). Đổ nước từ trên xuống, nhẹ hơn giội : xối nước tắm.
Xối-xả. khi dùng nhiều nước : mưa xối xả.
Tóm lại, offusion xối nước (Bắc)

* Ủy-Ban đồng ý :
Affection : chứng bịnh
Complication : biến-chứng
Evolution : biến-chuyển
Maladie : bịnh
Séquelle : di-chứng
Signe : biểu-chứng
Symptôme : triệu-chứng
Symdrome : hội-chứng
-ite : viêm
-pathie : bịnh
-ose : bịnh hư-biến, bịnh
-ome : bướu
-sarcome : bướu nhục

AGALACTIE. Chứng không sữa

AGÉNITALISME. Trạng-thái vô-sinh-thực

AGNOSO-APRAXIE. Có hai nghĩa :
1) Chứng thất nhận-thức vật-dụng
2) Chứng thất nhận-thức vận-dụng

Riêng về âge mental tuổi trí-tuệ, có cuộc hội-thảo khá lâu.
Giáo-sư Ngô-Văn-Phát nhận-xét : trí đối với ngu (kẻ trí người ngu) dịch âge mental bằng tuổi trí nghe ngắn-ngủn, nên lựa từ-ngữ khác hơn là tuổi trí-tuệ (huệ) là trí sáng suốt ; sinh ra đã có tính sáng-láng hơn người gọi là tuệ căn. Theo nhà Phật, tuệ (huệ) có nghĩa cao-siêu, chỉ người có trí sáng-láng chứng minh được Phật-pháp ; người có con mắt soi tỏ cả quá khứ, hiện-tại, vị-lai gọi là tuệ nhãn. Vậy Giáo-sư Phát đề-nghị một tiếng thông-dụng trong Nam là trí-hóa. Giáo-sư Trụ tiếp lời nói hóa của trí-hóa không phải là trở thành (như hợp-thức-hóa) mà là một tiếng phụ thêm cho êm tai, như nói quý hóaquý vậy. Giáo-sư cho rằng tuổi trí-tuệ dịch nơi âge mental đã được chấp nhận ở giới trung học từ lâu.
Bác-sĩ Cát thì không chua từ-ngữ trí-hóa vì không biết tiếng này ở miền Nam.
Giáo-sư Dương có nhắc mental chứ không phải intelligent và ở trong mental có thể là khôn, mà cũng có thể là ngu, còn intelligence mới là trí khôn thông-minh.
Giáo-sư Thới cũng cho rằng nếu dịch được gọn là tuổi trí thì rất đúng, nhưng ngắn-ngủn quá. Giáo-sư Dương đề nghị nên dịch trí-năng, tuổi trí-năng.
Sau khi trao đổi ý-kiến. Ủy-ban hiện-diện đồng ý giữ tuổi trí-tuệ (huệ) nhưng cho bậc thứ :
Tuổi trí-năng, tuổi trí-hóa, tuổi trí-tuệ (huệ).

GS. LÊ-NGỌC-TRỤ
Nội san Danh-từ chuyên-môn 5, 12.1971

0 comments: