Ông là một nhà nho tiên-phong trên trường ngôn-luận trong thời kỳ người Pháp mới sang chiếm cứ Nam-kỳ lục tỉnh, đồng thời với các ông Trương-vĩnh-Ký, Trương-minh-Ký, Diệp-văn-Cương, v.v... Đã từng cộng-tác hoặc chủ-trương những tờ báo đầu tiên bằng Việt-ngữ tại Sài-gòn như: Gia-định báo, Nông-cổ mín-đàm, Nam-Trung nhật báo, Lục tỉnh tân-văn, Đông-Pháp thời-báo, Thần-chung... Từ năm 1933 đến 1937, ông là chủ-nhiệm tờ Việt Dân báo.
Ngoài những hoạt-động trong lãnh-vực báo chí như đã nói, ông còn là người đã thực hiện sáng-kiến của vua Đồng-Khánh qua Hương-cảng mở một trụ-sở mậu-dịch với Trung-hoa lấy tên là « Thông-thương nha » trong những năm 1887-1888, và cùng với ông Trần-chánh-Chiếu tức Gilbert Chiếu lập ra Minh-Tân công-nghệ, một công-ty kinh-doanh kiểu mẫu đầu tiên tại Sài-gòn để cạnh-tranh với người Trung-hoa và người Ấn-độ hầu như nắm độc-quyền về kinh-tế ở trong Nam thời bấy giờ.
Ông cũng là người có công lớn trong việc khai-sinh sân-khấu cải-lương sau này.
Ông mất vào ngày 16-8-1945 tại Tân-quí-đông, Sa-đéc giữa hồi Sài-gòn đang bị phi-cơ đồng-minh oanh-tạc nặng-nề.
(Theo Văn học từ điển của Thanh Tùng. Khai Trí - 1974)
Tác phẩm:
- Nữ Trưng-vương. I (S. : Nguyễn Văn Viết, 1925 - 30 p.)
- Trương-Vỉnh-Ký hành-trạng (S. : Xưa-Nay, 1927 - 34 p. ; 0$50)
- Cao-đài đàm, quái-giáo nghị (cùng Đặng Công Thắng) (Sadec : Nguyễn Duy Minh, 1928 - 52 p.)
- Tri Y tiện dụng. I (Sadec : Bảo Tồn, 1931 - 20 p.)
- Việt-Dân-báo, khai tông minh nghĩa (S. : Nguyễn Khắc, 1932 - [12] p.)
- Việt Dân, tuần-báo ra ngày thứ năm. Chủ-nhân là ông Đặng Thúc Liêng. Tòa báo ở 245 Phố Espagne Saigon. Giá báo: mỗi số 6 xu, một năm 2$50. (1933-1939)
- Lê-Văn-Duyệt (S. : Bảo Tồn, 1934 - 28 p.)
0 comments:
Post a Comment