Bồng Dinh

Nguyễn-văn-Sỏi, tự Thanh-Phong, tục gọi Giáo-Sỏi (Liêm-Khê), đạo hiệu Bồng-Dinh; từng cộng tác với báo Nông-cổ mín-đàm, Công-luận-báo.

Tác phẩm:
  1. Tam quốc chí diễn nghĩa, cùng Võ-Mẫn-Thiệp, Đặng-Ngọc-Cơ (S. : F.-H. Schneider, 1907, 2 fasc. - I. 11 p.)
  2. Bài Ca mới (S. : J. Viet, 1909 - 19 p. ; 0$25)
  3. Tân-soạn-cổ-tích, cùng Hồ Văn-Trung (S. : F.-H. Schneider, 1910 - 47 p.)
  4. Tam quốc tuồng, cùng Mẫn-Thiệp (S. : F.-H. Schneider, 1913 - 34 p.) (Mẫn-Thiệp Võ-Văn-Mau)
  5. Vọng phu thơ (S. : Phát Toán, 1913 - 12 p.)
  6. Trịnh Hâm tạp phú (S. : Phát Toán, 1913 - 14 p.)
  7. Ma y thần tướng diễn ca (S. : F.-H. Schneider, 1913 - 8 p.)
  8. Thạch-Sanh Lý-Thông (S. : J. Viet, 1913 ? - 47 p.)

Ngô Đức Kế (1878-1929)

Ngô Đức Kế hiệu Tập-xuyên, người làng Trảo-nha, huyện Can-lộc, tỉnh Hà-tĩnh; ông sinh năm 1878, mất năm 1929 ở Hà-nội.

Ông đậu tiến sĩ nhưng không ra làm quan, sau nhờ tiếp xúc với các sách Trung-quốc truyền bá các học thuyết Âu Tây, ông hấp thụ được những tư tưởng mới, nên rất lưu tâm đến tình hình chính trị. Chính ông đã hăng hái cổ động bỏ khoa cử và đề xướng nền học mới ở Nghệ-Tĩnh. Khoảng năm 1907, ông cùng Đặng Nguyên Cẩn mở « Chiêu-dương thư quán » ở Vinh để tuyên truyền và vận động Cách mạng. Năm 1908, sau khi Phan Bội Châu ra nước ngoài, thực dân Pháp buộc ông vào tội « tiềm thông dị quốc » và đày đi Côn đảo. Năm 1921 được về, ông ở quê ít lâu rồi ra Hà-nội viết báo. Ông là cây bút xuất sắc trong tạp chí Hữu thanh. Năm 1927, ông mở « Giác-quần thư xã » xuất bản sách.

(Theo Lược truyện các tác gia Việt nam. Tập I. Nxb KHXH Hà-nội - 1971)

Tác phẩm:
  1. Phan Tây-Hồ di thảo: Văn-tập ông Phan-Chu-Trinh. I / Ngô-Đức-Kế biên tập (H. : Thụy-Ký, 1926 - 44 p.)
  2. Đông tây vỹ nhân (H. : Giác quần thư xã, 1929-1930 - I. iii, 77 p. ; 0$35 - II. 54 p.)

Đặng Thúc Liêng (1867-1945)

Đặng Thúc Liêng, lúc nhỏ tên ông là Huẩn, năm 18 tuổi lấy biệt-hiệu Trúc-Am, tới năm 30 tuổi mới cải tên là Đặng-thúc-Liêng, biệt-hiệu Lục-Hà-Tẩu, bút-hiệu Mộng-Liêm. Ông người làng Tân-phú-Trung, tỉnh Gia-định, là con cụ án-sát Đặng-văn-Duy, người đã vâng mệnh vua Tự-Đức chống-cự với Pháp suốt 4 tháng trời để giữ đồn Chí-hòa khi quân Pháp vào đánh Gia-định (1862).

Ông là một nhà nho tiên-phong trên trường ngôn-luận trong thời kỳ người Pháp mới sang chiếm cứ Nam-kỳ lục tỉnh, đồng thời với các ông Trương-vĩnh-Ký, Trương-minh-Ký, Diệp-văn-Cương, v.v... Đã từng cộng-tác hoặc chủ-trương những tờ báo đầu tiên bằng Việt-ngữ tại Sài-gòn như: Gia-định báo, Nông-cổ mín-đàm, Nam-Trung nhật báo, Lục tỉnh tân-văn, Đông-Pháp thời-báo, Thần-chung... Từ năm 1933 đến 1937, ông là chủ-nhiệm tờ Việt Dân báo.

Ngoài những hoạt-động trong lãnh-vực báo chí như đã nói, ông còn là người đã thực hiện sáng-kiến của vua Đồng-Khánh qua Hương-cảng mở một trụ-sở mậu-dịch với Trung-hoa lấy tên là « Thông-thương nha » trong những năm 1887-1888, và cùng với ông Trần-chánh-Chiếu tức Gilbert Chiếu lập ra Minh-Tân công-nghệ, một công-ty kinh-doanh kiểu mẫu đầu tiên tại Sài-gòn để cạnh-tranh với người Trung-hoa và người Ấn-độ hầu như nắm độc-quyền về kinh-tế ở trong Nam thời bấy giờ.

Ông cũng là người có công lớn trong việc khai-sinh sân-khấu cải-lương sau này.

Ông mất vào ngày 16-8-1945 tại Tân-quí-đông, Sa-đéc giữa hồi Sài-gòn đang bị phi-cơ đồng-minh oanh-tạc nặng-nề.

(Theo Văn học từ điển của Thanh Tùng. Khai Trí - 1974)

Tác phẩm:
  1. Nữ Trưng-vương. I (S. : Nguyễn Văn Viết, 1925 - 30 p.)
  2. Trương-Vỉnh-Ký hành-trạng (S. : Xưa-Nay, 1927 - 34 p. ; 0$50)
  3. Cao-đài đàm, quái-giáo nghị (cùng Đặng Công Thắng) (Sadec : Nguyễn Duy Minh, 1928 - 52 p.)
  4. Tri Y tiện dụng. I (Sadec : Bảo Tồn, 1931 - 20 p.)
  5. Việt-Dân-báo, khai tông minh nghĩa (S. : Nguyễn Khắc, 1932 - [12] p.)
  6. Việt Dân, tuần-báo ra ngày thứ năm. Chủ-nhân là ông Đặng Thúc Liêng. Tòa báo ở 245 Phố Espagne Saigon. Giá báo: mỗi số 6 xu, một năm 2$50. (1933-1939)
  7. Lê-Văn-Duyệt (S. : Bảo Tồn, 1934 - 28 p.)

Nguyễn Bá Trác (1881 -1945)

Nguyễn Bá Trác, tự Tiêu Đẩu, xuất thân trong một gia đình Nho học, quê huyện Điện-bàn, tỉnh Quảng-nam.

Nguyễn Bá Trác học chữ Hán, có thi hương và đậu cử nhân khoa Thành Thái Bính ngọ (1906). Gặp lúc Phan Bội Châu hô hào phong trào Đông Du (1908), Trác đã xuất dương sang Nhật du học và sau khi chính phủ Nhật giải tán học sinh và trục xuất các nhà yêu nước của ta, Trác được vào học lớp cán bộ quân sự ở Quảng-tây cùng với Trần Hữu Lực.

Nhưng rồi Trác làm mật thám cho Pháp, vào làm phòng báo chí của Phủ Toàn quyền. Lúc đầu, Trác được giao cho việc làm tờ Công thị báo bằng chữ Hán. Năm 1917, khi tên trùm mật thám Marty sai Phạm Quỳnh làm chủ bút tờ Nam phong thì Trác được giữ phần chữ Hán của tạp chí đó.

Vì có công lao ấy, Trác được bổ ra làm Tá lý bộ Học ở Huế rồi làm tuần phủ Quảng-ngãi, Trác đã đàn áp nhân dân và tàn sát nhiều nhà cách mạng.

Năm 1945, Cách mạng thành công, nhân dân tỉnh Quảng-ngãi cho đòi Trác ra hỏi tội và Trác đã phải đền tội.

(Theo Lược truyện các tác gia Việt nam. Tập II. Nxb KHXH Hà-nội - 1972)

Tác phẩm:
  1. Hạn-Mạn du-ký: Xiêm - Tàu - Nhật-bản (1908-1914) (H. : Đông-kinh ấn-quán, 1921 - 294 p.)
  2. Cổ học viện thư tịch thủ sách (cùng Nguyễn Tiên Khiêm) (1921, 11 fasc.)
  3. Calendrier annamite 1922-1954 d'après le dépôt légal en caractères sino-vietnamiens (Huế : Đắc Lập, 1922 ? - I. 321 p. - II. 232 p.)
  4. Hán-Việt từ điễn bản thảo (cùng Nguyễn Thúc Hội, Nguyễn Tân Kiên) (Huế : Đắc Lập, 1925 - 48 fasc.)
  5. Hoàng-Việt Giáp tý niên biểu (Huế : ?, 1925 - 552 p.)

Đoàn Tư Thuật (1886-1928)

Đoàn Tư Thuật, hiệu Mai Nhạc, sinh trong một gia đình Nho học, cháu xa cụ Đoàn Huyên, tự Xuân Thiều, hiệu Ứng Khê, làm đốc học, dạy nhiều học trò, quê thôn Hữu-châu, làng Hữu-thanh-oai, huyện Thanh-oai, Hà-đông cũ (nay thuộc tỉnh Hà-tây).

Thuở nhỏ, học chữ Hán, có tham gia phong trào Đông kinh nghĩa thục. Khi phong trào tan vỡ, ông có bị bắt. Sau được tha, chán nản, ông thường chỉ uống rượu, ngâm thơ, không đi thi.

Ông thường ví mình như Tín Lăng Quân (một nhà hào hoa phong nhã đời Chiến quốc) và Đỗ Mục (một nhà thơ đời Đường), thường hay đọc câu: « Rượu ngon, gần gái, bệnh Tín Lang là bệnh anh hùng; Hoa rụng, tiếc xuân, sầu Đỗ Mục là sầu thiên cổ ».

Thơ văn của ông không được biên chép lại, chỉ còn một số tác phẩm trong các bản dịch Tựa tập vịnh Kiều của Chu Mạnh Trinh đã đăng trong Nam phong và ký tên là Đoàn Quì; bản dịch Tuyết hồng lệ sử cũng đăng trong tạp chí Nam phong và in thành sách.

(Theo Lược truyện các tác gia Việt nam. Tập II. Nxb KHXH Hà-nội - 1972)

Tác phẩm:
  1. Truyện Tỳ-bà (dịch của Cao-đông-Gia, Nguyễn-Khắc-Hiếu san nhuận) (H. : Tản-Đà thư-điếm, 1923 - 103 p. ; 0$50)
  2. Tuyết hồng lệ sử (dịch của Từ-Trẩm-Á) (H. : Đông-Văn thư-điếm, 1928 - 36 p.)

Nguyễn Hữu Tiến (1874-1941)

Nguyễn Hữu Tiến, hiệu Đông Châu, người làng Đông-ngạc (tục danh làng Vẽ), huyện Từ-Liêm (nay thuộc ngoại thành Hà-nội).

Ông học chữ Hán, thi Hương đậu hai khoa tú tài, chuyên về dịch thuật các sách chữ Hán ra Việt văn.

Ông làm phiên dịch cho nhà Đông kinh ấn quán, rồi vào làm ở bộ biên tập tạp chí Nam phong.

(Theo Lược truyện các tác gia Việt nam. Tập II. Nxb KHXH Hà-nội - 1972)

Tác phẩm:
  1. Sơ-học quốc-ngữ tập-đọc (1914 ; 0$15)
  2. Giai-nhân di-mặc: sự-tích và thơ-từ Xuân-Hương (H. : Đông-kinh ấn-quán, 1914, 2 fasc.) (1926, In lần thứ hai, 2 fasc. - 76, ii p. ; 0$20)
  3. Cổ-xúy nguyên-âm : lối văn thơ Nôm (H. : Đông-kinh ấn-quán, 1916, 2 fasc. ; 0$25 mỗi quyển)
  4. Đông-A Song-Phụng (1916 ; 0$15)
  5. Việt-Lam xuân-thu (1914-1916, 7 fasc. ; 0$20 mỗi quyển)
  6. Pháp-luật danh-từ giải-nghĩa (cùng Nguyễn Văn-Điển) (H. : Kim Đức Giang, 1923 - 247, 14 p. ; 1$20)
  7. Việt-văn hợp tuyển giảng-nghĩa. Textes choisis d'explication annamite (cùng Lê Thành-Ý) (H. : Nghiêm Hàm, 1925 - viii, 247 p. ; 0$70)
  8. Lĩnh nam dật-sử. Tiền-biên, dịch (H.: Thụy-Ký, 1925 - 200 p.) (H. : Cát-Thành, 1928, In lần thứ hai - 193 p. ; 0$50)
  9. Mạnh-Tử quốc-văn giải-thích (dịch cùng Nguyễn-Đôn-Phục) (H. : Trung-Bắc Tân-Văn, 1932 - I. 512 p. ; 3$00 - II. 389 p. ; 2$50)
  10. Gia-lễ tập-thành (Thọ-lễ, hôn-lễ, tang-lễ, lễ phần-hoàng) (chưa in)
  11. Việt-nam tổ-quốc túy-ngôn (chưa in)
  12. Luận-ngữ quốc-văn giải-thích (dịch cùng Nguyễn-Đôn-Phục) (H. : Đông-kinh ấn-quán, 1935)
  13. Phật-Giáo với nho-giáo (H. : Đông-kinh ấn-quán, 1935 - 15 p.)