Nói về thanh phù trầm / Lê-Ngọc-Trụ

Sắp thanh hỏi về loại trầm thượng-thanh, thanh ngã về phù thượng-thanh, Dương-Quảng-Hàm cũng như Trần-Trọng-Kim (Việt-nam văn-phạm) có lẽ đã xét hai giọng ấy theo phương diện phát-âm : giọng hỏi rõ, vắn, nhẹ thấp hơn giọng sắc, còn giọng ngã, trầm, nặng, dài cao hơn giọng nặng, cao thấp khi so-sánh hai giọng cùng một bực bổng hết hoặc trầm hết.

Chớ còn sắp ngãphù (bổng) và hỏitrầm (trầm) thì không đúng, khi ứng-dụng vào hệ-thống âm-thinh (thanh) của Việt-ngữ.

Tám giọng của tiếng Việt : NGANG, HUYỀN, HỎI, NGÃ, SẮC, NẶNG, SẮC-NHẬPNẶNG-NHẬP được phân làm hai bực:

1) Bổng : ngang, hỏi, sắc, sắc-nhập
2) Trầm : huyền, ngã, nặng, nặng-nhập

Tám giọng nầy tương-ứng với tứ-thinh (thanh) của tiếng Hán-Việt : hình, thượng, khứ, nhập, mỗi loại có hai bực : thanh, hoặc phù, trọc hoặc trầm.

Sắp đối-chiếu các giọng như bảng sau đây :

Cách sắp xếp này có khác với lối của hai Ông Dương-Quảng-Hàm, Trần-Trọng-Kim.

Xin chứng-minh lý-do tại sao?

A). Tiếng Hán-Việt có đặc điểm về âm khởi đầu với thinh của một tiếng, quan-hệ nhau thành luật-thanh-trọc : nếu âm khởi đầu thuộc thanh-âm thì thinh của tiếng ấy thuộc thanh thinh (ngang, hỏi, sắc, sắc nhập) ; nếu âm khởi đầu thuộc trọc âm thì tiếng ấy thuộc tiếng trọc-thinh, huyền, ngã, nặng (ngang về trọc-bình-thinh riêng cho loại phụ âm, l, m, n, nh, ng, d, v).

Thí dụ : Tiếng Hán-Việt đã phân loại các nguyên-âm thuộc thanh-âm vì vậy tất cả tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng một nguyên-âm (a, â, ê, i, y, o, ô, u, ư), đều là một tiếng có giọng ngang, hỏi, sắc, sắc nhập mà không có giọng huyền, ngã, nặng, nặng nhập, có anh, ảnh, ánh, ác, ân, ẩn, ấn, ất,... mà không có ành, ãnh, ạnh, ạc, ần, ẫn, ận, ật...

Trái lại, những tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng một hữu-âm : l, m, n, ng, nh, d, v, đều thuộc dấu ngã : lãm, mã, nữ, nguyễn, nhã, diễn, võ... mà không có dấu hỏi. Về những tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng phụ-âm thuộc thanh-trọc hỗn-hợp b, ph, th, t, đ, x, tr, s, h, như bão (vệ), hoài bão, đảng, đãng hải, hãi... thì tương-đối rất khó phân-biệt, phải nhờ phương-pháp phiên-thiết của Tự-điển Trung-hoa. Tuy-nhiên, nhờ tiếng Hán-Việt viết bằng chữ Việt, nên có thể căn-cứ vào dấu giọng mà biết được : ngang, hỏi, sắc thì thuộc thanh-âm, huyền, ngã, nặng, thì được trọc-âm. Phương-pháp phiên-thiết áp dụng luật thanh-trọc của tiếng Hán-Việt ; muốn đọc một chữ Hán, tự-điển Trung-hoa dùng hai tiếng, rồi phiên-thiết, cắt lấy phần khởi đầu của tiếng thứ nhất và phần vận của tiếng thứ nhì, đọc ráp liền lại, theo nguyên-tắc : tiếng thứ nhất cho âm-khởi-đầu, và định bực-thinh, tiếng thứ nhì cho vận (khai-khẩu hoặc hợp-khẩu) và loại-thinh.

Thí-dụ :
1.- Bão (vệ) : bác ; xão thiết
2.- (Hoài) bão : bạc ; lão thiết

1). Tiếng thứ nhất bác, cho âm-khởi-đầu b, vì mang dấu sắc thuộc thanh-âm nên định-bực bổng cho tiếng kết-quả.

Tiếng thứ nhì xảo cho vận ao và thuộc loại thượng thinh (vì mang dấu hỏi) thì kết-quả sẽ là thanh " Phù " thượng-thinh:

b ; ao hỏi : bảo
2). Về tiếng bão, tiếng thứ nhất bạc cho âm-khởi đầu b và định bực trầm (vì tiếng dấu nặng) ; tiếng thứ nhì lão cho vận ao và trọc (trầm) thượng-thinh : ngã

b ; ao ngã : bão
B). Lý-do thứ hai, trong tiếng Việt hai tiếng đôi lấp-láy một tiếng không nghĩa đi chung với một tiếng có nghĩa thì tiếng đồng bực thinh : bổng thì bổng, trầm thì trầm, theo luật bổng trầm.

Thí dụ :
vui-vẻ, nghỉ-ngơi, mát-mẻ, khấp-khểnh
lặng-lẽ, nghĩ-ngợi, mạnh-mẽ, khập-khễnh

C). Lý-do thứ ba, các thinh tiếng Việt biến đổi lẫn nhau hoặc đọc trại lẫn nhau. Sự biến đổi đọc trại ấy cũng ở trong nguyên-tắc bổng trầm, đồng bực thinh đổi lẫn nhau.

Thí dụ :
lẻn ; lén ; (có) thể – (có) thể ; (nói) trớ , (nói) trở (lại), (nhắc) nhở – (nhắc) nhớ ; tan – tán – tản ; dẫu – dầu ; đã – đà ; cũng – cùng ; bỡ-ngỡ – bợ-ngỡ ; gần-gũi – gần-gụi.
cưỡng → cượng ; hỗ (trợ) → hộ (trợ) ; lời → lợilãi.
bổn → vốn ; bố → vải ; phế → phổi ; đái → đai ; để → đáy ; không → chẳng ; ký → gởi ; cẩm → gấm
kỵ → cỡi ; mãnh → mạnh ; lễ → lạy ; trệ → trễchầy ; dị → dễ.

Những lý-do trên chứng minh rằng các thinh tiếng Việt có hệ-thống liên-hệ nhau, và thinh hỏi thuộc giọng bổng (phù) và ngã thuộc giọng trầm (trầm).

Về vận bằng trắc, thì dầu Ông Dương-Quảng-Hàm có sắp ngược lại : hỏi (trầm) ngã (phù), thì hai thinh ấy vẫn thuộc vần trắc.

LÊ-NGỌC-TRỤ
Nội san Danh-từ chuyên-môn 6 - 6.1972

Cần phải nhứt-trí chánh-tả ! Ta nên theo tự-điển nào mà viết đúng tiếng Việt ? / Lê-Ngọc-Trụ

Nếu phát âm đúng tiếng Việt thì viết không sai chánh tả, bởi hễ nói sao là viết vậy, rất dễ dàng ! Nhưng khi chẳng phát âm được đúng, mà lại còn gặp thêm các tự-điển không nhứt trí với nhau, thì trái lại, sự chánh tả trở nên phiền phức. Một cớ cho người học dễ chán nản ; học thuật nước nhà cũng vì đó mà chậm phát triển.
Song mấy ai nói được đúng giọng. Giọng nói vùng nào đúng ? Các tự-điển đã chọn giọng nào đễ ghi mỗi tiếng ?

Trong tiếng Việt, không kể mấy giọng địa-phương rải-rác, so sánh các vùng nói, người ta nghiệm thấy :
- GIỌNG NGHỆ TĨNH nói rõ các âm-đầu, nhưng không phân biệt giọng hỏi, ngã, hoặc ngã, nặng ;
- GIỌNG BẮC phát-âm rõ ràng giọng ngã, hỏi và các vận cuối, nhưng thường đọc lẫn các âm-đầu[ (như x, s, ch, tr ; d, r, gi...) ;
- GIỌNG NAM lầm lẫn gi, với d, các vận cuối và cũng không nói phân biệt được hai giọng hỏi, ngã.
Nhận ra mấy sự lầm-lẫn kể trên là đã biết có một giọng nói đúng hơn. GIỌNG-NÓI CHÁNH THỨC, làm mực thước trong sự nói và viết. Nó sẽ tiêu-biểu cho lối « chánh-tả » chánh-thức, được ghi vào tự-điển của viện Hàn-lâm, ai cũng phải tuân theo. Nhưng giọng nói đó, chưa biết đã căn cứ vào đâu mà được ? Theo giọng nói mỗi vùng, theo sự quen dùng, theo tự-nguyên ? Nước ta chưa có viện Hàn-lâm lo điển chế ngôn ngữ và nhứt trí chánh tả, nên cũng chưa có bộ tự-điển chánh-thức ấy.

Ban sơ, Hội các giáo-sĩ dòng Tên ở Macao dùng tự-mẫu La-tinh, Ý và Bồ tạm ché ra chữ « quốc-ngữ » để các thầy dòng học tiếng Việt-Nam đặng truyền-bá đạo Da-tô.
Chữ « quốc-ngữ » lúc mới bày có lẽ không có dấu giọng. Cố Alexandre de Rhôdes, sau khi ở Bắc giảng đạo (1627-1628), phân biệt được tám giọng của tiếng Việt mới bày thêm năm dấu giọng để ghi bực trầm bổng. Vì theo ông, nếu không phân biệt các giọng của tiếng Việt sẽ có sự hiểu lầm tai hại như việc ông « cha » nọ biểu người ở mua ; ông biết chữ , nhè phát âm với giọng huyền, thành ra anh nọ ra mua về một rổ . Cố là người thứ nhất đã theo giọng Bắc soạn quyển tự-vị Nam-Lạp-Bồ, xuất-bản tại Roma năm 1651. Dấu giọng đúng theo giọng Bắc ; lối viết có khác lối bây giờ.

Nhưng vì có lịnh cấm đạo của chúa Nguyễn ở Đàng Trong và của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, sự truyền bá đạo Da-tô rất gian nan và bị gián đoạn, nên trong khoảng hơn trăm năm, sách bằng chữ quốc-ngữ cũng không xuất bản.

Mãi đến khi đức Cao-Hoàng cùng nhiều người Nam lánh nạn bên Xiêm (1784), các giáo-sĩ ở Bangkok mới mở một nhà in sách quốc-ngữ. Và đến năm 1838, giáo-chủ Taberd, nhờ toàn quyền Ấn-độ Auckland giúp tiền và cho phép, xuất bản bộ tự-vị Dictionarium Latino-Anamiticum tại Serampore (Ấn), nơi « trường các giáo-sĩ » gần Calutta.

Còn tiếp...

LÊ-NGỌC-TRỤ
Việt Báo 15, 27.8-3.9.1949

Góp ý-kiến về bài HIỆP, HỢP, HẠP của Kỹ-sư NGUYỄN-CÔNG-HUÂN / Lê-Ngọc-Trụ

Bài viết rất công-phu, nhất là về chữ Hiệp 俠. Trong bài có năm chữ Hán với dạng chữ và ý nghĩa khác nhau, và trong số ấy có ba chữ Hán không thể lầm-lẫn được : hiệp 俠 là hiệp-sĩ, hiệp 狹 là « hẹp », hạp 匣 là « cái hộp ». Về chữ Hán thì còn nhiều chữ nữa với nghĩa khác, nhưng xét không cần thiết cho bài nầy, nên không bàn đến. Còn hai chữ quan-trọng khiến ta hay lầm-lẫn là hiệp 協 và hợp 合. Vậy trước hết, nên xét qua các tự-điển Đại-Nam Quấc-âm tự-vị của Huình-Tịnh Paulus Của, Hán-Việt từ-điển của Đào-Duy-Anh, Việt-Nam tự-điển của Hội Khai-trí Tiến-đức và Hán-Việt tự-điển của Thiều-Chửu để xem cách phát-âm và định nghĩa hai chữ ấy giống nhau và khác nhau như thế nào.

P. Của :
Hiệp 協 . Nhập làm một, giúp-đỡ nhau : hiệp-ý, hiệp-lực, hiệp-lão, hiệp-dạ, hiệp-lòng, hiệp-bọn, hiệp-nhau...

Đào-Duy-Anh :
Hiệp 協 . Hoà nhau, hợp nhau, giúp-đỡ : hiệp-định, hiệp-đoàn, hiệp-đồng, hiệp-hoà, hiệp-hội, hiệp-lực, hiệp-nghị, hiệp-thương, hiệp-ước...

Việt-Nam tự-điển :
Hiệp 協 . Hợp giúp : hiệp-biện, hiệp-tá, hiệp-hộip/i].

Thiều-Chửu :
Hiệp 協 . Hoà-hợp : đồng-tâm hiệp-lực, hiệp-thương, hiệp-lý.

P. Của :
Hạp 合 chữ Hán Hiệp :
Hạp-ý, hạp-hợp, hoà-hạp, hảo-hạp, ám-hạp, ưa-hạp, không hạp, hạp-nhãn...

Đào-Duy-Anh :
Hạp như Hợp.
Hợp 合 : hợp nhau, dống (sic) nhau, đối-chiếu nhau. Chữ tỏ ý tóm quát.
Hợp-biện, hợp-cách, hợp-chủng-quốc, hợp-cổ, hợp-đồng, hợp-ý, hợp-lão, hợp-lực, hợp-mưu, hợp-nghị, hợp-nhất, hợp-pháp, hợp-phù, hợp-quần, hợp-tác, hợp-tấu, hợp-thời, hợp-thức.

Việt-Nam tự-điển :
Hợp
合 . Hoà đồng với nhau : tâm-đồng ý-hợp, hợp-cách, hợp-đồng, hợp-cổ-phần, hợp-quần, hợp-thức, Hợp-chủng-quốc...

Thiều-Chửu :
Hợp 合 1 hợp : đồng-tâm hợp-lực
2. góp lại : hợp-tư
3. liên-tiếp : hợp-vi
4. hợp-cách : hợp-pháp, hợp-thức
5. ăn khớp : phù-hợp, hợp-khoán
6. gộp cả : hợp-hương, hợp-ấp
7. cõi, bốn phương : lục-hợp
8. Hai bên cùng làm tờ ký kết với nhau : hợp-đồng

Với Thiều-Chửu, đồng-tâm hiệp ( 協 ) lựcđồng-tâm hợp ( 合 ) lực, đều dùng như nhau, vì thế mới có sự hỗn-hợp, như ta thấy ngày nay.

Riêng Đại-Nam quấc-âm tự-vị, có tiếng hạp cũng đọc hiệp 合, nhưng ngày nay tiếng nôm còn giữ, hạp-ý hạp-nhãn mà thôi.
Còn Đào-Duy-Anh thì Hiệp- ( 協 ) chúng-quốc, trong Việt-Nam tự-điển thì Hợp ( 合 ) chúng-quốc.

Ngoài ra, trong Đại-Nam quấc-âm tự-vị có tiếng hiệp, tiếng nôm, có nghĩa là « đồ sành, đồ da siêu nắn tròn tròn mà mỏng, trên có nắp đậy ».

Tóm lại, có khuynh-hướng dùng hiệp 協 cho đồng-tâm hiệp-lực, hiệp-định, hiệp-ước... và hợp 合 cho hoà-hợp, hợp-tấu...

Với lại, tiếng Họp, tiếng nôm, P. Của ghi « nhóm lại : họp nhau, họp mặt » Việt-Nam tự-điển ghi : Họp : tụ-hội : họp việc làng, họp hội-đồng, thì người miền Nam ngày nay lại dùng chung là hợp : hộp-hợp, hợp hội-đồng...

Theo những điều nhận-xét trên, dựa vào các tự-điển, chúng tôi nghĩ nên phân-biệt hai tiếng Hiệp 協 và Hợp 合 .

Hiệp 協 là " nhập làm một, hoà nhau giúp-đỡ " : đồng-tâm hiệp-lực, hiệp-định, hiệp-ước...

Hợp 合 là " hợp nhau, giống nhau, hoà đồng với nhau " : hợp-cách, hợp-nhất, hợp-tấu, hợp-tác, hợp-thời, hợp-thức...

LÊ-NGỌC-TRỤ
Nội san Danh-từ chuyên-môn 9, 1.1975 (Đặc-san Xuân)

Giải đáp thắc mắc bạn đọc (Văn 87) / Lê-Ngọc-Trụ

- nhắn tin chung :

Từ mấy tháng trước, tòa soạn Văn có chuyển cho tôi một số thư của bạn đọc từ nhiều nơi gửi về yêu cầu giải đáp thắc mắc.
Ngặt vì tôi vẫn còn bịnh, tay chưn tê nhức, đi làm phải chống gậy và mang dép, lại thêm bận nhiều công việc sở, nên tôi rất tiếc phải phụ lòng tin cậy của quý bạn mà nhường phần lo việc « giải đáp thắc mắc » lại cho anh bạn trẻ Thư-Trung.
Rất mong bạn đọc thông cảm và thứ lỗi cho, tôi rất lấy làm thậm cảm.
LÊ NGỌC-TRỤ

- ông Mai Văn Hảo, Đà nẵng, hỏi :

... Nhân đọc lời giải đáp thắc mắc của ông đăng trong Văn số 69, tôi đã suy nghĩ không ít, bởi vì, theo tôi, ông giải đáp hầu như không được đúng lắm, bởi câu « làm thân con gái mười hai bến nước » là do ngày trước ở bên Tàu xã hội chia làm mười hai giai cấp hay mười hai hạng người gì đó, trong đó là : « sĩ, nông, công, thương, cầm, kỳ, thi, tử, ngư, tiều, canh, mục, » đời sống khác nhau, người con gái may thời gặp hạng người sang nếu rủi thì gặp người hèn tùy theo số phận của mỗi người...
« Câu trên đây tôi cũng đã hỏi mấy cụ túc nho họ cũng nói đại khái như vậy.
« Những lời tôi viết đây không biết đã đúng hẳn không ? Nhưng với tôi thật là có lý. Vậy tôi viết thư cho ông để ông suy xét lại, và nếu ông nhận thấy đúng thì cũng là giúp thêm tài liệu cho ông... »

- ông Lê Quý, Pleiku, hỏi :

« ... Đọc bài giải đáp thắc mắc của ông đăng Văn số 69, tôi thiển nghĩ như sau :
« Đời con gái ngày xưa thường phụ thuộc vào người chồng của họ, cái vinh hạnh của đức lang quân tức là chính họ vinh hạnh vậy. Người chồng của họ ở địa vị, nghề nghiệp nào thì họ ở vào bậc ấy. Bất kể người con trai nào cũng cập một trong mười hai bến ấy để đem lại sự ấm cúng yên vui cho gia đình vợ con, những bến đó là : sĩ, nông, công, thương, ngư, tiều, canh, mục, cầm, kỳ, thi, họa.
« Trong một bài thơ cổ nọ, chàng trách nàng « khéo » chọn chồng để duyên anh làng lỡ, rồi cô cũng chịu số phận lao đao, có đoạn như sau : « ... Phận con gái mười hai bến nước, sa đâu ấm đó, chớ có trách gì, tôi đây trách những người kén bạc tham chì, muốn ưa năng cho nên chi mà hóa nặng... »
« Chữ sa đâu ấm đó chứng tỏ rằng, dù bến nào cũng do người chồng bảo hộ cho nàng một đời êm ấm. Ngoài ra, theo thiển ý, cuộc đời đã tin vào số mạng thì bất cứ trai gái gì cũng đều nằm trong mười hai cung tử vi, không riêng gì phận con gái... »

- trả lời chung ô.ô. Mai Văn Hảo và Lê Quý :

Chúng tôi đồng ý với hai vị độc giả trên rằng người đàn bà quả đã tùy thuộc nơi nghề nghiệp, địa vị của đức ông chồng.
Và cảnh khổ sở của người đàn bà cũng tùy thuộc nơi tánh tình người chồng : người chồng giầu sang mà thô bạo, « võ phu », ắt không hẳn đem lại cuộc đời vui tươi sung sướng cho người vợ. Ngoài cảnh « chồng con », người đàn bà còn gặp thêm cảnh « mẹ chồng » hoặc « chị hay em chồng », hoặc cảnh « chị em bạn dâu ». Có lắm gia đình, người chồng đủ gây hạnh phúc cho vợ, nhưng bà mẹ chồng, chị hoặc em chồng, lại là những người tạo nên nỗi khổ tâm cho bà vợ, như thế, cảnh « đục chịu » của người đàn bà còn bị ảnh hưởng khác, không do nơi người chồng vậy.
Trong số các nghề nghiệp, tứ dân : sĩ, nông, công, thương là gồm đủ. Theo Hán-Việt từ-điển Đào Duy Anh, « ngư, tiều, canh, mục : người đánh cá, người hái củi, người đi cày, người chăn thú là bốn cái cảnh của thợ vẽ thường vẽ. » Và trong bốn cảnh nầy, canh là « người đi cày » trùng với nông của tứ dân.
Còn cầm, kỳ, thi, họa, cũng theo từ-điển Đào Duy Anh, « đánh đàn, đánh cờ, ngâm thơ và vẽ là bốn cái thú của kẻ tao nhã ». Như thế, đây ắt không phải là bốn nghề sinh sống của đại chúng.
Vậy cọng bốn cảnh : ngư, tiều, canh, mục,tứ thú : cầm, kỳ, thi, họa, vào tứ dân : sĩ, nông, công, thương, để cho đủ mười hai nghề, chúng tôi sợ e không được hợp lý. Nếu cọng cho đủ con số 12, thì có bạn góp ý là tam (3) giang, tứ (4) hảingũ (5) hồ, vậy chúng tôi lại cũng xin nêu ra đây để thêm có tài liệu khảo cứu...


- ông Lê Xuân Đại, Sài-gòn hỏi :

1) Hán-Việt Từ-điển của Đào Duy Anh không có vần G. Một sự thiếu sót hay vì âm chữ Hán phát thanh ra Việt không có âm G ?
2) Chữ GÓA (như trong « góa phụ » chẳng hạn) có phải là danh từ Hán-Việt không ? Nghĩa của nó ?
3) Can lệ (như chữ « duyên Can lệ ») là gì ? Từ đâu có chữ ấy ?

- trả lời :

1) Vì tiếng Hán-Việt không có vần G khởi đầu.
2) Góa là danh từ nôm do gốc chữ quả.
3) Cang lê cđ Khảng : kết đôi cùng nhau.


- em Hà Văn Khạo, Long-thuận, hỏi :

1) Hai câu sau đây, câu nào đúng, câu nào sai, và nếu có một câu đúng tại sao có sự sửa đổi ở câu kia ?
« Gió đưa cành trúc là đà,
Tiếng chuông Thiên-mụ, canh gà điểm sương. »
« Gió đưa cành trúc là đà,
Tiếng chuông Thiên-mụ, canh gà Thọ-xương. »
Xin bác giải thích rõ giùm địa danh của câu thơ trên và cho biết nó thuộc loại gì ? (tục ngữ, thành ngữ, ca dao...)
2) Nhà văn Nguyễn Công Hoan, tác giả Tắt Lửa Lòng hiện giờ ở đâu ? và sống bằng nghề gì ?

- trả lời :

1) Vì hai câu trên là ca dao nên sự truyền tụng dễ bị biến đổi. Theo Thái Văn Kiểm, trong Đất Việt Trời Nam, tr. tr. 336-337, thì hai câu đó là :
« Gió đưa cành trúc là đà,
Tiếng chuông Thiên-mụ, canh gà Thọ-Cương. »
Chùa Thiên-mụ hay Linh-mẫu-tự (cũng gọi chùa Linh-mụ) ở làng Kim-long, từ bên kia sông, trên đồi Long-thọ-Cương.
2) Tác giả Tắt Lửa Lòng hiện đang sống ở miền Bắc, nhưng đã từ nhiều năm nay ông không sáng tác được gì mới.


- ông Hồ Phi Linh, Quảng-ngãi, hỏi :

1) Làng Tây-sơn bây giờ thuộc làng nào, quận nào ở Bình-định ?
2) Tình trạng của làng ấy bây giờ ra sao ?

- trả lời :

1) Làng Tây-sơn bây giờ là ấp Kiện-mỹ, làng Bình-thành, quận Bình-khê..
2) Em nên tìm đọc cuốn Hồ Thơm, Nguyễn Huệ, Quang Trung của Nguiễn Ngu-Í. Nếu còn thắc mắc, em có thể biên thư gửi tác giả, nhờ tòa soạn Bách-Khoa hoặc Văn chuyển giao.


- ông Lâm Văn Sang, Bình-long, hỏi :

1) Bảng danh sách, Bảng kê, Bảng chiết tính... chữ Bảng Viết có G hay không G đúng ?
2) Học đường, Học hiệu, Học xá, Trường học... khác nhau thế nào ?
3) Đơn dản, Đơn giản - chữ nào đúng ?

- trả lời :

1) Bảng viết có g là đúng.
2) Theo từ điển Đào Duy Anh, tất cả đều cùng một nghĩa.
3) Đơn giản.


- em Tâm, Quảng-ngãi, hỏi :

1) Có phải thư ký tòa soạn nào cũng có người phụ tá ? Thày Thanh-Tuệ có người phụ tá không ?
2) Cuốn Bác-sĩ Zivago của Boris Pasternak sao có chỗ viết là Jivago, có chỗ lại viết là Zivago ?

- trả lời :

1) Thông thường các thư ký tòa soạn đều có người phụ tá. Em có thể biên thư hỏi thẳng Thày Thanh-Tuệ, địa chỉ ghi trên các bìa sách do nhà An-TIêm ấn hành.
2) Người Pháp viết Jivago, người Anh viết Zivago. Đó là phiên âm gốc tiếng Nga.


- ông Ngô Quốc Khánh, Sài-gòn, hỏi :

1) Nguyễn Bách Khoa có phải là Trương Tửu không ?
2) Tôi có cuốn Giòng Nước Ngược của Tú Mỡ bị thiếu ít trang. Xin ông giới thiệu giúp tôi, ai có cuốn đó đầy đủ để tôi tới xin bổ túc cho đầy đủ.

- trả lời :

1) Nguyễn Bách Khoa là một bút hiệu của Trương Tửu.
2) Ông có thể tới các thư viện tại Sài-gòn. Tại những tiệm cho mướn sách, chúng tôi cũng thấy có cuốn đó.


NHẮN TIN RIÊNG :

- ông Đinh Thư, Đà-lạt :

Chúng tôi không tiện trả lời thư ông vì có liên quan đến L.m. LVL. Mong ông thông cảm và lượng thứ.

ông B.T.D., Sài-gòn :

Mục này không tiện trả lời loại câu hỏi của ông. Xin ông hỏi một y sĩ, hoặc biên thư hỏi một tờ báo có mục mách thuốc thì phải chỗ hơn.

L.N.T và T.T.
Văn 87, 1.8.1967

Giải đáp thắc mắc bạn đọc (Văn 19) / Lê-Ngọc-Trụ

thế nào là kính ? thế nào là gương ?

Một độc giả của VĂN (1) biên thư nhờ giải đáp giùm câu hỏi trên, viết tiếp như vầy :
« Theo như em học ở nhà trường họ giảng kính là khi nào mình để trước mắt mình có thể thấy được cảnh vật trước mắt ta, còn gương thì trái lại ta không thể thấy những cảnh vật trước mắt mà chỉ thấy cảnh ở sau lưng ta.
Như vậy, ông Đoàn Luân khi thấy em là Đoàn thị Điểm soi gương để trang điểm ông ứng lên rằng « đối
kính họa mi nhất điểm phiên thành lưỡng điểm ».
Chẳng lẽ bà Điểm lấy một tấm kính là một tấm không nhìn rõ khuôn mặt mà trang điểm hay sao ? ».
Như vậy ông Đoàn Luân dùng chữ
« kính » không đúng phải không anh... »

Trước khi giải đáp câu hỏi trên, nên nói mau rằng tự-ngữ kính là tiếng Hán-Việt, nghĩa là chữ Hán phát âm theo giọng Việt, còn gương là tiếng Việt chuyển gốc nơi chữ kính của Hán-tự. Ông Đoàn Luân dùng câu văn Hán-tự để hỏi bà Điểm, chớ không dùng tiếng Việt, vậy nếu chưa xét đến « nghĩa » của tiếng kính, ta cũng đã thấy rằng ông Đoàn Luân « dùng đúng », vì ông dùng danh từ Hán-Việt.
Muốn biết « thế nào là kính, thế nào là gương », ta cần xét qua tự-nguyên của hai tiếng ấy.
Tiếng Việt gồm có tiếng Việt thuần túy và những tiếng mượn nơi ngôn ngữ dân tộc láng diềng, trong số đó, tiếng mượn của Trung-Hoa là nhiều hơn hết. Ta mượn « chữ Hán » của kinh điển sách vở Trung-Hoa, nhưng không đọc theo giọng Tàu, mà lại phát âm bằng giọng Việt, kết quả là tiếng Hán-Việt ngày nay. Hiện trạng nầy xảy ra từ thế kỷ thứ X về sau,nghĩa là từ « Thời kỳ Tự chủ », nước ta không còn chịu ảnh hưởng trực tiếp của quan lại Tàu nữa. Rồi, do sự cần dùng trong cuộc sống hằng ngày bắt buộc, để cấu tạo thêm tự ngữ mới, các tiếng Hán-Việt được biến trại thành tiếng Việt, hoặc được giữ nguyên trạng giọng phát âm, nhưng dùng theo ngữ-pháp Việt-Nam, hoặc bị biến thể sửa đổi theo hệ thống biến âm đặc biệt của Việt-ngữ mà trở thành tiếng Việt, âm thinh đã trại biệt khác với tiếng gốc Hán-Việt.
Đó là về phương diện « âm thinh ». Về phương diện « nghĩa lý », phần lớn cũng đã mượn những nghĩa thông dụng của chữ Hán, các nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa rộng, nghĩa hẹp, mà còn dùng theo nghĩa thông dụng, quen với quan niệm và tập quán của dân tộc Việt-Nam.

Theo vật-lý-học, những vật gì bóng láng thì phản chiếu cảnh vật chung quanh. Ghi hiện tượng nầy, Hán-tự có chữ giám 鑑 và chữ kính 鏡.
Giám, bộ Thuyết-văn giải-tự của Hứa Thận đời Hán ghi là : cái ảng lớn (đại bồn) (2). Theo sách Chu-Lễ Thu quan tư huyễn thị, dùng « giám » để thâu nước tinh khiết ở mặt trăng (dĩ giám thủ minh thủy ư nguyệt). Ban đêm, khí ẩm thấp xông lên gặp hơi lạnh thành « lộ » (mù sương). Đêm trăng thật sáng, nếu không có gió và mây, thì « lộ » có nhiều. Dùng cái giám bằng đồng, để ngay dưới ánh trăng hứng sương, sương gặp chất đồng lạnh lắng thành nước trong tinh kiết. Cái bồn đồng như một « ao-kính » phản chiếu ánh trăng, tạo nên sức lạnh nhiều, khiến sương mau thành nước (3). Vì trăng thuộc « âm », nên cũng gọi giám là âm giám.
Bởi chất đồng bóng láng phản chiếu ánh sáng, nên giám có nghĩa là : « cái kính (gương soi) ; soi ; xem xét kỹ càng ; làm gương ; răn giới. » Thời cổ xưa, dùng đồng làm gương soi gọi là giám. Nhân cái giám « năng chiếu vật », nên chép việc thành bại cổ kim để cảnh giới làm gương cũng gọi là giám. Tư-Mã Quang trứ tác bộ Tư trị thông giám là « pho sử để soi vào đấy mà giúp thêm các cách trị dân », Sách Minh tâm bửu giám và bộ Khâm-định Việt sử thông giám cương mục cũng ngụ ý nầy.
Tiếng giám không có biến trại trở thành tiếng Việt, chỉ dùng trong từ ngữ Hán Việt mà thôi.

Loại kim bóng láng có thể thâu cảnh vật cũng gọi là kính 鏡.
Tự điển Trung Hoa phiên âm như sau :
- Khang Hi tự điển : 1) « Đường vận », « Chinh vận » : « cư + khánh thiết, âm cánh. » 2) « Vận bổ » của Ngô Vực đời Tống ghi : « cư + lượng thiết, khương khứ thinh ». Vậy phải đọc là cướng hoặc khướng.
- Từ Hải, Từ nguyên, Trung Hoa đại tự điển chỉ ghi có một âm : « cư + khánh thiết, âm kính. »
Do các phiên thiết trên, giọng Hán-Việt có tiếng cảnh, như « Ngũ luân minh cảnh » (nhưng ít thông dụng), và tiếng kính, được phổ thông hơn. Còn âm cướng hoặc khướng thì không có dùng.
Về nghĩa tiếng kính, Khang Hi tự điển có dẫn mấy nghĩa như sau.
1.) Thuyết văn : « Khí cụ thâu cảnh vật ».
2.) Tên núi : Thạch kính sơn, vì ở phía đông núi nầy có tảng đá, dựng bóng sáng thấy hình, chiếu người.
3.) Tên đá : tương truyền tại Nhiêu châu, tỉnh Giang Tây, Hiên Viên Thị (tức Huỳnh Đế) thời cổ có mài đúc kính nơi ven hồ, nên nay còn tên gọi Hiên-Viên ma kính thạch, đá ấy thường tinh khiết, cỏ không mọc lan trên đó được.
Ngoài ra, kính còn có nghĩa rộng là : « soi ; xem xét ; làm gương ; răn giới. »
Từ-Nguyên giải thích chữ kính như vầy : « Phàm kim loại trơn bóng có thể soi vật gọi là kính. Thời cổ dùng đồng làm kính, đời nay dùng pha ly, nên pha ly cũng gọi kính. Vốn nghĩa của kính làm bằng đồng, là phản chiếu ánh sáng (hồi quang) ; sau, với chất pha ly, ánh sáng có thể thấu qua (thấu quang) cũng gọi lá kính, như nhãn kính, vọng viễn kính, hiển vi kính... »
Từ Hải còn giải thích thêm : « kính có nhiều loại : bình diện kính, cầu-diện kính, phao-vật trụ-diện kính .. nhưng phổ thông thường nói về loại bình-diện kính (kính mặt bằng). Và thường dùng pha ly mặt bằng tráng thủy ở sau để làm kính soi mặt. »
Như thế, Hán tự dụng có một chữ kính để chỉ cả hai tác dụng, khi dùng « kính thấu quang » để thấy được cảnh vật trước mắt, và khi dùng « kính hồi quang » để xem cảnh vật ở sau lưng ta.

Do tiếng kính của Hán-Việt, tiếng Việt đã biến trại nó mà tạo thành ba tự ngữ :
1.) Kính, vẫn giữ nguyên trạng âm thinh, nhưng dùng theo ngữ Pháp-Việt, nghĩa là theo lối « cú pháp thuận ». Ta gọi kính hiển vi, kính viễn vọng, kính cận thị, kính đeo mắt, cửa kính...
2.) kiếng, theo luật biến vận, vận inh đổi ra vận iêng, như chinh > cái chiêng ; chính (nguyệt) > (tháng) giêng ; tỉnh > giếng...
Đại Nam quấc âm tự vị của Paulus Huình tịnh của, và tự vị Génibrel đều viết kiến (không g) vì sắp vào loại tiếng Hán-Việt, nhưng Jean Bonet cho tiếng kiến là tiếng Việt (4). Vì là tiếng Việt chuyển gốc nơi tiếng kính của Hán-Việt nên chúng tôi chủ trương viết kiếng (có g).
Điều đáng để ý là Việt-Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến đức không có ghi chữ kiến hoặc kiếng.
3.) gương, theo luật chuyển âm : K > g ; vận inh chuyển ra ương (vận iêng, ương đọc trại lẫn nhau, như : giềng mối = giường mối) ; giọng sắc biến thành giọng ngang, vì đồng bực thinh.
Về nghĩa của các tiếng Việt : kính, kiến (g) gương, mỗi vùng trong xứ có dùng nghĩa khác nhau chút ít. Xin dẫn chứng các tự vị.
1.) Đại Nam quấc âm tự vị :
KÍNH (c) (kiến). Đồ bằng chai, sáng suốt, có lót thủy thì để mà soi, không lót thủy thì để mà nhận khuông.
Minh kính : gương sáng
Mục kính : kiến con mắt.
. . . . . . . . . . . . . . .
(Mắt kính, soi kính...)
KIẾN (c) (kính)
Kiến soi : gương soi mặt, kính soi, kính con mắt.
Chiếu kiến : soi vào trong kính, coi trong kính
. . . . . . . . . . . . . . .
(Soi kiến, coi kiến, mang kiến, kiến lấy lửa...)
GƯƠNG (n). Kính làm vừa con mắt để mà coi cho tỏ; kính tráng thủy để mà soi mặt ; kiểu vở hoặc cái chi để cho người bắt chước, hoặc phải xa lánh.
Gương soi : kiến con mắt, cũng hiểu là kính soi mặt.
Soi gương : ngó vào trong kính tráng thủy để mà coi mặt ; coi theo việc trước.
Gương bể bình tan : cuộc phân lìa, vợ xa chồng, chồng xa vợ, phải có nhựt nguyệt tỏ soi, ai làm quấy cũng có gươm quỉ thần gia hại.
Làm gương : làm chuyện chi ra trước cho kẻ khác noi theo. Làm phải kêu là gương tốt, làm quấy kêu là gương xấu.
. . . . . . . . . . . . . . .
(Để gương, nê gương, gương sáng...)
2.) Việt Nam tự điển :
KÍNH. 1. gương soi. Dùng sang tiếng Việt để chỉ mặt thủy tinh : kính hiển vi, cửa kính.
2. Do chữ « nhãn kính » nói tắt, tức là hai mặt kính để vào gần mắt mà trông cho rõ : kính đeo mắt.
. . . . . . . . . . . . . . .
GƯƠNG: mặt phẳng làm bằng kim khí hay bằng thủy tinh đằng sau có tráng thủy, dùng để soi. Nghĩa bóng : việc trước để cho người sau trông vào mà biết khuyên răn : gương kim cổ, gương thành bại. Nghĩa rộng : trỏ mặt trăng, mặt trời... : Gương nga. Trông ra ác đã ngậm gương non đoài (Kiều).
3.) Việt-Nam tân từ-điển của Thanh Nghị :
KÍNH dt. Gương soi. Ngr. Cũng thường dùng như tiếng kiến để chỉ : a) mặt thủy tinh : kính hiển vi ; b) mặt kính đeo vào mắt để trông cho rõ hay che ánh sáng : đeo kính.
. . . . . . . . . . . . . . .
KIẾN dt. Thể cứng, trong và rất dễ bể, do chất khuê-thổ (silice) và chất potasse dung hợp nấu chảy ; cũng có nơi gọi là kính : kiến đeo mắt, cửa kiến... (kiến mờ, kiến soi, mắt kiến...).
. . . . . . . . . . . . . . .
Gương 1. dt. Mặt phẳng bằng thủy tinh ở sau lưng có tráng một lớp thủy ngân dùng để soi : soi gương thẹn bóng... (gương lõm, gương lồi, gương quay...)
2. Ngb. Việc làm kiểu mẫu cho người ta bắt chước : gương kim cổ ; Để gương trong sách tạc bia dưới đời (Nhị độ mai) ; làm gương, theo gương (...gương mẫu...)
Ngb : Chỉ mặt trăng, mặt trời sáng như gương :
Gương mặt : dt : dáng mặt, vẻ mặt.
Thêm vào các tự ngữ của mấy tự điển dẫn trên, ta có tiếng gương sen, có lẽ vì hình dáng nó tròn như mặt trăng.

Theo các định nghĩa dẫn trên, cả ba tự điển đều giải thích tự ngữ kính, đã trở thành tiếng Việt, như nghĩa của kính, tiếng Hán-Việt : kính soi mặt, kính đeo mắt... tùy theo nó có tráng thủy hay không có tráng thủy.
Theo chỗ nhận xét của chúng tôi, miền Nam thông dụng tự ngữ kiếng hơn kính : kiếng soi mặt, kiếng mát ; đeo kiếng gọng vàng, tủ kiếng, lộng kiếng ; xe kiếng, xe hơi mui kiếng, nhà kiếng giấy kiếng...
Về từ ngữ gương, Việt Nam tự điển chỉ dùng để gọi « kính để soi » nghĩa là « để thấy cảnh ở sau lưng ta », như em Hoài Tưởng đã học ở nhà trường. P. Của và Thanh Nghị thì dùng tiếng gương cho cả hai nghĩa dẫn trên. Nhưng theo chúng tôi nhận xét, trừ tự ngữ gương sengương mặt, ở miền Nam thông dụng tiếng gương để chỉ việc làm gương mẫu, nêu gương, noi gương, làm gương...
Tóm lại, thời cổ dùng đồng làm kính, ánh sáng không thấu qua được phản chiếu trở lại. Về sau, dùng chất pha ly trong suốt, ta thấy được những gì trước mắt ; muốn dùng để soi, phải tráng một lớp thủy ngân. Tiếng gương chuyển gốc tiếng kính của Hán-Việt, cũng dùng với hai nghĩa kể thêm, tùy theo cách cấu tạo nó, rồi theo sự quen dùng của mỗi miền mà khác biệt nhau, chớ không có ai dùng sai, nhất là ông Đoàn Luân, vì ông dùng tiếng « chữ ».

LÊ-NGỌC-TRỤ
Văn 19, 1.10.1964

Chú thích:
(1) bạn Hoài Tưởng, Tam Quan (Bình Định).
(2) Một âm nữa đọc hạm (hồ + tạm thiết) là loại hũ miệng lớn, dùng để đựng băng (nước đá). Sách Chu-Lễ Thiên quan lăng nhân chép : « đầu mùa xuân, quan lăng-nhân (coi về việc băng giá) dùng hạm đựng băng, rồi để vật thực lên trên để ngừa ôn-khí » (như ngày nay ta dùng tủ lạnh)
(3) Khí cụ dùng thâu lửa ở mặt trời thì gọi là toại hoặc dương toại. Hình dáng nó như cái ly lớn (bôi), làm bằng sắt. Lúc giữa trưa, chà cái toại cho thật nóng, rồi để ngay dưới ánh mặt trời, nếu bỏ lá ngải cứu khô vô thì có thể cháy, vì hình thể cái toại như một « ao kính », ánh mặt trời bị phản xạ tạo nên sức nóng đốt cháy. Ngày nay, ta thâu lửa ở mặt trời bằng « đột thấu kính ». (Kiếng lấy lửa)
(4). Jean Bonet. - Dictionnaire Annamite - Français, tr 323, kiến. Glace, miroir (Du Sino-Annamite kính même caractère, même signification).

Giải đáp thắc mắc bạn đọc (Văn 23) / Lê-Ngọc-Trụ

* Bạn Liễu Xuyên Nhân ở Đà-nẵng hỏi :

« Tại sao khi nhà nước lập lên một ngôi trường thì đề là « Trường Công-lập ». Còn khi một tư-nhân bỏ tiền lập lên một ngôi thì không viết là « Trường tư lập » mà lại viết là « Trường tư-thục ». Thưa ông, chữ
« thục » ở đây có nghĩa là « tư » hay là « trường » ? Nếu làthì viết « tư thục », theo thiển-ý của tôi thì dư một chữ tư. Nếu là « trường » thì cũng dư một chữ trường. Vì tôi thấy các trường đề là « Trường Trung-học tư-thục Nguyễn Công Trứ, Tây-Hồ v.v » Vậy nhờ ông minh-xác cho. »

ĐÁP :

Theo Hán-Việt tự-điển Thiều Chửu, « Thục là cái chái nhà. Gian nhà hai bên cửa cái gọi là thục. Là chỗ để cho con em vào học, cho nên gọi chỗ chái học là gia-thục.

« - Đời sau nhân thế mới gọi tràng học tư là tư-thục mà gọi thày học là thục-sư vậy. »
Việc giáo-huấn ở Trung-Hoa cổ, nơi hương-đảng có TƯỜNG (1), tại nhà có Thục, trong một toại (một khu-vực có mười hai ngàn năm trăm nhà (12500) có tự, trong nước có học. (Cổ chi giáo giải đảng hữu Tường, gia hữu Thục, toại hữu tự, quốc hữu học). Học là tổng-danh của hiệu (trường học ở làng), tườngtự, nghĩa là các trường công-lập ; ngày nay gọi học-đường hoặc học-hiệu.

Trường tư gọi là tư-thục và cũng gọi là tư-lập-học-hiệu cũng như gọi trường công là công-lập học-hiệu.

Từ ngữ tư-thục dùng gọi « trường tư » được thông dụng trong tiếng Việt, người Hoa-Kiều lại ít dùng, vì cho rằng nó gợi đến những « trường của mấy ông đồ thời xưa ». Bởi thế, họ dùng từ-ngữ « tư lập học-hiệu », « tư-lập trung-học học-hiệu » hoặc « tự-lập trung-học hiệu » thay vì « tư-thục » hay « tư-thục trung-học ».

Vậy « thục » là chỗ dạy học do tư-nhân lập ra ; muốn cho rõ ý, người ta thêm chữ thành « tư thục » để phân biệt với « gia thục », là « chái nhà để cho con em học », mà khi xưa, nhà khá-giả thường rước thầy đồ đến ở dạy con em. Còn « học đường », « học hiệu » là « trường học », trường của nhà-nước lập ra. Ngày nay, có nhiều loại trường : « trường bán-công », « trường tư-lập » hoặc « tư-thục » nên thêm từ-ngữ « công-lập » (trường công-lập) để phân-biệt, chớ thuở trước chỉ dùng tiếng « trường-học », hoặc « trường » để gọi trường của chính-phủ lập ra : trường làng, trường tổng, trường tỉnh v.v.

Theo tu-từ-học, đúng như ông bạn độc-giả đã nêu ra, thục là « trường của tư-nhân » thì viết « trường tư-thục » có dư một ý « trường » (tư-thục, như đã nói ở trên, cũng dư một ý « tư » nhưng dùng để phân-biệt với gia-thục), nên viết « trường », hoặc « trường tư-lập » hoặc theo Hán-văn, « tư-thục » bỏ tiếng « trường » đứng trước, thì đúng hơn.

Tuy vậy, khi ta viết văn Việt, nếu giữ đúng tu-từ-học thì càng tốt, để tránh lặp lại ý (pléonasme), nhưng cũng có thể châm-chước, vì lý-do như sau.

Ngữ pháp Việt là lối đặt xuôi. Trong từ-ngữ « trường-tư », tiếng đứng trước (trường) gợi hình-thức sự vật một cách tổng-quát, vì vậy, nghĩa của nó chưa được rõ-ràng, cần phải được chỉ-định bằng ngữ-tố « tư », để cho biết rõ đặc-tính của nó. Ta sẽ hỏi « trường » gì ? Nó phải được chỉ-định cho rõ nghĩa bằng một từ bổ-túc, hoặc « công » (trường công), hoặc « tư » (trường tư), hoặc « trung học » (trường trung-học) v.v... Vậy, theo ngữ-pháp Việt, phần được chỉ-định (trường) đứng trước, phần chỉ-định () đứng sau. Đó là hợp với đặc tính Việt-Nam. Khi phát-biểu ý-kiến, ta nói đến ý « chánh » trước, đó là sự-vật tổng quát, rồi dùng ý « phụ » bổ-túc sau, để xác-định cho rõ nghĩa của ý « chánh » ấy.

Ngữ-pháp Hán, trái lại, theo lối đặt ngược : tiếng được chỉ định (thục) lại ở sau tiếng chỉ-định (), nghĩa là ý « phụ », () bổ-túc cho ý « chánh » (thục), lại đứng trước. Vì vậy, với từ-ngữ Hán-Việt, có nhiều học-giả đề-nghị dùng gạch-nối giữa hai tiếng, như thục của thí-dụ dẫn ra : tư-thục, để tránh sự hiểu lầm, vì nó là một « từ kép ». Còn với tiếng Việt « trường-tư », thì không dùng gạch-nối, vì cho nó là một « từ chắp », ngữ-tố « tư » chắp một cách lỏng-lẻo vào ngữ-tố « trường » để chỉ một ý-niệm.

Từ-ngữ « tư-thục » viết với gạch-nối, là một từ kép, bởi hai tiếng nầy phối-hợp chặt-chẽ thành một khối để chỉ một ý-niệm, nên không thể tách rời ra.

Vì lẽ đó, khi ta viết theo ngữ-pháp Việt, thì ý chánh là « Trường » được nêu ra trước, các ý phụ bổ-túc cho rõ nghĩa được lần lượt nêu ra sau : trường gì ? - trường trung-học ; của ai ? - của tư-nhân (tư-lập) ; tên hiệu gì ? - Nguyễn Công Trứ. Kết quả là « Trường Trung-học tư-lập Nguyễn-Công-Trứ ». Nhưng, như đã nói ở trên, ta thông-dụng từ-ngữ « tư-thục » để gọi « trường tư » hơn là « tư-lập học-hiệu », mặc dầu có ghi trong Hán Việt từ-điển Đào-Duy-Anh và Nguyễn-văn-Khôn.
Nếu muốn giữ tiếng thục, và không muốn dùng từ-ngữ « tư-lập », thì phải dùng Hán-tự « tư-thục » và bỏ tiếng « trường » đứng trước, là tiếng Việt-Nam, gồm ý tổng-quát.

Trường-hợp này cũng giống trường-hợp những tiếng : đường xa-lộ, đường thiết-lộ, sông Cửu-Long-Giang, sông Hồng-Hà, đằm Dạ-Trạch, núi Hồng-Lĩnh, núi Thái-Sơn « đề-cập đến » v.v... nghĩa là những tiếng Hán-việt dùng theo ngữ-pháp Việt.

Người hành-văn kỹ chỉ viết : xa lộ, sông Hồng, sông Cửu-Long, núi Hồng, « đề-cập » hoặc Cửu-Long Giang, Hồng-Lĩnh, bỏ tiếng « sông », « núi » ở trước. Nhưng thông-thường, người ta cũng châm chước mà dùng những từ kép « xa-lộ », « thiết-lộ », « Hồng-Hà », « Thái-Sơn » liền theo sau những tiếng Việt : đường, sông, núi, cũng như « trường », là từ ngữ có tính-cách tổng-quát, như câu :

... Công cha như núi Thái-Sơn...

Có thể vì lý-do ấy, mà người ta không cho rằng đây là một « lỗi » về văn-phạm.

Tóm lại, viết « trường tư-lập », « trường tư » thì rất đúng. Viết « trường tư-thục », thì có dư một ý « trường », song vì tập-quán muốn dùng tiếng « thục » hoặc từ kép « tư thục »; trong ngữ-pháp Việt, người ta cũng châm-chước viết « trường tư-thục ». Nếu giữ cho thật đúng tu-từ-học, trong tiếng Việt, phải bỏ tiếng « thục » chỉ viết trường tư là đủ, vì dùng từ-ngữ tổng-quát trường để nêu ý chánh, chớ không bao giờ dùng « thục » nói « trường-tư » chớ không nói « thục tư » như từ-ngữ chữ Hán đã đặt ngược : tư-thục.

Còn nếu bỏ chữ « trường » đứng trước để dùng từ kép tư-thục thì phải dùng theo ngữ-pháp Hán. Và « Trung-học tư thục Nguyễn-Công-Trứ » trở thành « Nguyễn-Công-Trứ tư-thục trung học ». Lối này, người Việt không dùng.

LÊ-NGỌC-TRỤ
Văn 23, 1.12.1964

Giải đáp thắc mắc bạn đọc (Văn 56) / Lê-Ngọc-Trụ

* Bạn Hoàng Yến, Qui-nhơn, hỏi :
1.- Thời xưa, khi các Cụ của chúng ta dùng chữ Nho hay chữ Nôm để làm thơ, căn cứ vào đâu để biết chữ THIÊN vần Bình, chữ ĐỊA vần Trắc. (Giờ đối với chúng ta công việc ấy rất dễ ; chỉ nhìn vào dấu thì sẽ biết được ngay).
2.- Ánh sáng mặt trời có mấy màu, và viết theo thứ tự bằng Pháp-văn như thế nào ?
3.- Rất nhiều người dùng từ « HAY HO » cùng nghĩa với HAY. Ví dụ : « Câu chuyện ông ấy kể nghe HAY HO lạ » cũng như : « Câu chuyện ông ấy kể nghe HAY lạ ». Ông Nghiêm Toản, trong cuốn Luận-văn thị-phạm do Văn-Hiệp xuất-bản, Sài-gòn, có giảng giải : HAY HO trái với nghĩa tiếng HAY. Theo ông thì sao ?

- TRẢ LỜI :
1.- Thời xưa, các cụ dùng bộ Thi-vận tập-thành để biết cách phân loại bình, trắc : thuộc vần bình, những vận thượng bình có 15 vận, từ vận đông đến vận san, và 15 vận hạ bình, từ vận tiên đến vận hàm ; thuộc vần trắc, có vận thượng, 29 vận từ vận đổng đến vận hãm ; vận khứ có 30 vận, từ vận tống tới vận hãm (hạm), và vận nhập có 17 vận, từ vận ốc đến vận hạp. Gồm tất cả 106 vận.
2.- Có 7 mầu, Tây gọi là sept couleurs de l'arc-en-ciel :
1. violet (tím) ; 2. indigo (lam) ; 3. bleu (xanh) ; 4. vert (xanh lá cây) ; 5. jaune (vàng) ; 6. orange (da cam) ; 7. rouge (đỏ).
3.- Tiếng hay ho theo nghĩa của giáo sư Nghiêm Toản, có lẽ lấy theo ý của Đại-nam quấc-âm tự-vị của Paulus Của. Nơi chữ ho trang 423 và 424 : « hay ho, tiếng chê dở ; hay ho chi, chẳng hay chi, cũng là tiếng chê dở. »


* Bạn Lý-thị Đào, Quảng-trị, hỏi :
1. Tôi có đọc Phổ-thông số 160, thấy ông Hồ-hữu-Tường lấy rất nhiều bút hiệu, trong đó có tên « Thuần-Phong ». Vậy Thuần Phong của ông Hồ-hữu-Tường có phải là « Thuần-Phong » đặt vấn đề dịch-giả Chinh-phụ Ngâm-khúc bằng cách dẫn chứng hai bài thơ của Nguyễn-Công Trứ và Ngọc-hân Công-chúa không ? Nếu khác thì Văn có thể cho biết sơ lược về Thuần-Phong thứ hai ?
2. Trong « Đời-mới » tuần báo xuất bản trong những năm 53-54 của chủ nhiệm Trần-văn-Ân và chủ bút Hoàng-thu-Đông, tôi thấy có tên Hà-Việt-Phương, trình bày những tư tưởng của thời đại, nhất là những bài về chủ-nghĩa xã-hội. Vậy ông Hà-Việt-Phương là ai, bây giờ ở đâu ? làm gì ?

- TRẢ LỜI :
1.- Ông Hồ Hữu Tường thường dùng bút hiệu Huân-Phong, nếu có ký Thuần-Phong như trong Phổ-thông, thì cũng không phải là ông Thuần-Phong Ngô-văn Phát, khi trước thời cuộc 1945, bút hiệu là thi sĩ Tố-Phang, tác giả nhiều sách khảo cứu về văn học như : Chinh-phụ ngâm-khúc giảng luận, Cao-bá-Quát và Cao-bá-Nhạ, Trần Tế Xương, Chu Mạnh Trinh, Thi-ca Việt-nam giảng-luận, Khảo-luận về Cung-oán ngâm-khúc, Ca-dao giảng-luận, Phan-văn-Trị, Hồ-xuân-Hương thi-tập, Ngụ-ngôn Việt-Nam, Khả-năng tiếng Việt, Giữa Đồng Tháp Mười, Giảng văn đệ Tam... Ông Ngô-văn Phát người Cần-thơ, có học cùng khoảng thời gian với ông Hồ Hữu Tường. Với bút hiệu Tố-Phang, ông có họa 10 bài thập thủ liên hườn của ông Thượng Tân Thị, bài nầy có đăng trong Thành-ngữ điển-tích của ông Diên-hương Trần Ngọc Án, mục « Khuê phụ thán ». Một số thi phẩm của ông bị tiêu tan trong thời biến cố 1945. Ông hiện còn sáng tác rất nhiều...
2.- Theo chỗ hiểu biết của chúng tôi thì dường như Hà Việt Phương là một bút hiệu của nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, tác giả những cuốn truyện Thằng Cu So, Thằng Kình.., xuất bản thời tiền chiến. Ông Nguyễn Đức Quỳnh hiện ở Sài-gòn và không thấy viết lách gì nữa cả.


* Bạn Nguyễn Cao Ẩn, Mỹ-tho, hỏi :
1.- Làm thế nào để đọc đúng giọng những chữ Tàu La-mã-hóa (thí dụ : Kúng Tzũ, Ssũ-ma Chien, Tao Tê Ching, Chi Wu Lun...) ?
2.- Theo âm HÁN VIỆT, đọc thế nào những chữ Tàu La-mã-hóa sau đây : Kuomintang, Hsũn Tsũ, Li Ssũ, Sih, Shên Tao, Shên Pu-hai, Ch'u Fu, Chien-kwan, Chêng (king), Chi Sun, Shu Sun, Miêng Sun, Huan T'ui, Hsiao, Ti, Sung (state) ?
3.- Chữ YAO, có chỗ dịch là music, có chỗ dịch là sage king of the legendary period. Với hai nghĩa khác biệt đó, chữ ấy đọc và viết - trong Hoa-ngữ - có khác nhau không ?
4.- Những nhân danh, địa danh như Gandhi, Lumumba, Nasser, U Thant, Rangoon, Savanakhet, Kompong Cham, Djakarta... chỉ là những chữ La-mã-hóa hay quốc ngữ họ viết vậy ? Nếu là chữ La-mã-hóa, phải đọc sao cho đúng giọng bản xứ ?
5.- Địa danh Pleime (đọc « me » hay « mê » ?) là tiếng Pháp hay tiếng Thượng ?
6.- Danh từ « lơ », để chỉ người phụ tài xế (aide-chauffeur) do tiếng nào mà ra ?
7.- Có thể tự học chữ Hi-lạp, La-tinh, Pali, Sanscrit được không ? Xin cho biết những sách nào dạy các thứ chữ ấy. Sách có bán ở Sài-gòn không ? Nếu không, có thể gởi mua ở đâu ?

- TRẢ LỜI :
1.- Phải học tiếng quan-thoại, mới phát âm được đúng. Tạm thời có thể dùng quyển tự vị Mathew's Chinese English dictionary, American ed. Cambridge, Harvard University Press, 1956, trong đó có ghi cách phát âm. Chỗ đặc biệt của tự vị nầy là có ghi cả loại thinh, kèm theo chữ la-tinh. Những tiếng thí dụ trong câu hỏi 1, nếu phát âm theo giọng Hán Việt là : Khổng-tử, Tư-Mã-Thiên, Đạo-đức-kinh, Tề-vật-luận.
2.- Nếu có quyển Mathew's... thì đọc những tên nêu trong câu hỏi 2 : Quốc-dân-đảng, Tuân-tử, Lý-Tư, Thần-đạo v.v...
3.- Chữ yao dịch là music là chữ nhạc, dịch là sage king of egendary period là chữ Nghiêu.
4 và 5.- Có thể phiên âm tiếng bổn xứ của những nhân vật và địa danh ấy. Riêng Pleime, theo ông Nguyễn Bạt Tụy, Plei tiếng Thượng có nghĩa là « làng » = làng Mê (tên của người).
6.- Có lẽ đầu tiên aide-contrôleur để rước khách và kiểm điểm thâu tiền khách. Sau mấy anh nầy tập lái xe luôn và phụ với tài xế chánh.
7.- Hiện nay tại Thư-viện Quốc-gia có nhiều sách dạy tiếng Hi-lạp, La-tinh, Pali, Sanscrit v.v... Bạn nên đến Thư-viện đó (ở số 34 đường Gia-long, Sài-gòn) mà tham khảo. Về tiếng La-tinh, bạn nên hỏi tại thư viện các trường Công-giáo ; còn tiếng Pali và Sanscrit thì nên hỏi Viện Đại-học Vạn-Hạnh của Phật-giáo thì sẽ được chỉ dẫn rành rẽ hơn. Nếu bạn muốn biết về những cuốn sách hiện có tại Thư-viện Quốc-gia, xin gửi tem thư, chúng tôi sẽ trả lời bằng thư riêng thì tiện hơn.

LÊ-NGỌC-TRỤ
Văn 56, 15.4.1966

Giải đáp thắc mắc bạn đọc (Văn 71) / Lê-Ngọc-Trụ

Ông Mạc Phương Hải, Sài-gòn hỏi :
Tại sao trong các cuốn Tâm trạng của giới văn nghệ ở miền Bắc do Mạc Đình soạn đều bị mất bốn trang là 117, 118, 119, 120?
Đáp :
Ông cũng đoán biết rồi, xin miễn trả lời.

Hỏi :
Cuốn Luận-ngữ cách ngôn in tại Minsang Dit T.B. Cay 49 Bd. Francis-Garnier Hanoi, năm 1927, dịch giả là ai ?
Đáp :
Theo quyển Liste des imprimés năm 1927, thì nhà in Minsang không có in quyển nào cả.- Xem sách xuất bản thấy có quyển :
Đoàn-Như-Khuê.- Luận ngữ cách ngôn (Les entretiens de Confucius).- Hanoi, Imp. Nghiêm-Hàm, 1927 ; 240/160, 71 pp. prix 0$30.
Không biết có phải là cuốn sách ông hỏi chăng ?

Hỏi :
Cuốn Việt Nam văn phạm do Lê-Thăng xuất bản năm 1945 tại Hanoi, tác giả là ai ?
Đáp :
Chưa tìm thấy - Quyển Việt Nam văn phạm do Lê-Thăng xuất bản. In lần thứ nhất, năm 1940, thì của Trần-Trọng-Kim cùng làm với Phạm Duy Khiêm và Bùi Kỷ.

Hỏi :
Chữ Tầu viết bằng bao nhiêu lối chữ ?
Đáp :
Theo ông Thi-Đạt-Chí, trong bài « Nghiên cứu chữ Hán - Sự tiến triển về hình thể chữ Hán » (Văn-hóa Á châu, số 23-24, tháng 2-3/1960, tr. 117).
« ... Chữ Hán mới đầu theo các hình vật phác họa ra, tức là chữ tượng hình : từ chữ tượng hình đến chữ Ân-khế, chữ triện (đại triện, và tiểu triện), chữ lệ, chữ bát phân, chữ chân chữ thảo, chương thảokim thảo. Chữ hành thư tức bán thảo.
« Một thế kỷ nay, chỉ còn bốn thể chữ là chữ triện, chữ lệ, chữ chân phương và chữ thảo.
« Nhưng đa số chỉ biết có chữ chân phương và chữ bán thảo thôi, còn chữ triện, chữ lệđại thảo ít người biết tới trừ các học giả và các nhà thư-pháp (chuyên nghiên cứu viết chữ).

Hỏi :
Trong các sách địa lý có sách viết là mũi Kê Gà và có sách viết là mũi Kẻ Gà. Vậy địa danh nào đúng ?
Đáp :
Kiểm lại các sách, tôi cũng thắc mắc như ông khi thấy ghi Ke Ga, Kẻ Gà. Phải cần hỏi ngay người ở địa phương ấy mới rõ chắc được.
Trong quyển Đại Nam nhất thống chí thì ghi là Cẩm Kê là loại gà rừng (gà tre) nhỏ con có bộ lông rất đẹp. Có thể vùng nầy nhiều loại gà rừng nên đặt tên như vậy chăng ?
Theo ý nhà sử học Lê-Thọ-Xuân mà tôi đã hỏi, thì không thể là Kê Gà được. Tôi xin trích bức thư ổng viết cho tôi để ông làm tài liệu.
« Kê gà, đã mà lại còn ? Anh nhớ Tây viết mà mình học Géographie hồi Cours Elémentaire hay Moyen là Kéga. Không phải Kẻ Gà. Mà chắc là Khe Gà.
« Kiến Thạnh của Trịnh-Hoài-Đức thì Aubaret viết Kien tanh... vì Tây câm chữ « h ».
« Vậy Khe Gà, Tây viết Kega và muốn tránh chữ « e » muet ở giữa khổ độc nên cho accent aigu cho... vui tai !
Tôi còn nhớ ở Tây-Ninh có Khe-răng, sách chữ Hán chép Xỉ-Khê và chừng như mấy không Phú-lang-sa viết trên địa đồ là Ke-lang.

LÊ-NGỌC-TRỤ
Văn 71, 1.12.1966

Về lối viết tên họ Việt-Nam / Lê-Ngọc-Trụ

Có nhiều học-giả chủ-trương khác nhau, vì thế nên áp-dụng lối viết tên và họ khác nhau :

1) Không dùng gạch-nối giữa tên và họ, và tiếng lót nếu có, dựa theo lối viết của người Pháp và người Trung-Hoa, cho rằng giữa họ và tên không có quan-hệ nhau về ý-nghĩa.

Như Nguyễn Du là ông tên Du của dòng họ Nguyễn. Ông Lê văn Hưu, bà Đoàn thị Điểm là ông tên Hưu của dòng họ Lê, tiếng lót « văn » để chỉ phái nam ; bà tên Điểm của dòng họ Đoàn, tiếng lót « thị » để chỉ phái nữ.

Những tiếng lót : văn, thị, mạnh, trọng, quý, thúc, bá, xuân, thu... chỉ để chỉ ngôi thứ hoặc dùng phân-biệt chi-phái khác nhau của mỗi họ, chớ không có nghĩa gì đến tên của người, vì thế chữ lót viết rời và không hoa.

Khi nào họ kép hoặc họ đôi, hay tên kép, mới có gạch-nối.

Họ kép như họ Nguyễn-phước, Lê-duy... thì tiếng thứ nhì không hoa. Họ đôi là do hai họ kết-hợp lại, như Đặng-Trần, Nguyễn-Huỳnh..., vì do hai họ hợp lại, nên phải viết hoa hết.

Tên kép thường do hai tiếng kết-hợp lại thành một mỹ-danh có ý-nghĩa tốt đẹp, như Anh-Hùng, Bạt-Tụy, Tuấn-Kiệt, Tất-Thắng, Văn-Minh..., nên viết có gạch-nối.

Tên kép nầy có người viết hai tiếng hoa hết vì cho là đặc-danh, có người viết chữ thứ nhì không hoa vì cho là một từ-ngữ : Anh-hùng, Bạt-tụy, Tuấn-kiệt, Tất-thắng, Văn-minh...

2) Không dùng gạch-nối giữa họ, tên và tiếng lót, nhưng viết tiếng lót hoa, vì cho là đặc-danh, tên riêng của mỗi người : Nguyễn Văn Xuân, Lâm Ngọc Diệp, Trần Trọng Kim, Đỗ Quý Anh...

3) Viết có gạch-nối giữa họ, tên và tiếng lót, những tiếng lót không hoa, cho rằng cả ba tiếng góp lại chỉ một người, tiếng lót không hoa để phân-biệt với tên : Nguyễn-văn-Tố, Trương-vĩnh-Ký, Trần-trọng-Kim...

Lối nầy dường như không kể về tên kép, họ kép, họ đôi ; trong ba tiếng, tiếng giữa là tiếng lót.

4) Công-báo Việt-Nam cũng theo lối nầy : trong ba tiếng, tiếng giữa là tiếng lót, không viết hoa, nhưng không dùng gạch-nối : Nguyễn văn Tố, Trương vĩnh Ký, Trần trọng Kim...

Khi họ và tên có tới bốn tiếng, thì hai tiếng sau viết hoa, mà cũng không có gạch nối : Lê thị Ngọc Diệp, Nguyễn hữu Minh Châu, Võ trọng Phát Đạt...

Khi tên họ những vị được dùng đặt tên đường hay tên cơ-sở nào thì viết có gạch-nối giữa tên, họ với tiếng lót, và tiếng lót không hoa : đường Trương-vĩnh-Ký, Dưỡng-trí-viện Nguyễn-văn-Hoài.

5) Viết có gạch-nối giữa tên, họ với tiếng lót và hoa hết, vì cho nhóm tiếng ấy kết-hợp lại chỉ một người, và vì là đặc-danh nên viết hoa để tôn-trọng người : Phan-Bội-Châu, Lê-Văn-Minh, Nguyễn-Hữu-Phước, Đặng-Phát-Đạt, Trương-Vĩnh-Ký, Huỳnh-Tịnh-Của...

Chủ-trương không dùng gạch-nối giữa họ và tên rất dễ thi-hành khi họ và tên chi có một tiếng : Phạm Quỳnh, Phan Khôi... Nhưng họ lại có họ đôi, họ kép ; tên thì có tên kép ; giữa họ và tên lại có tiếng lót.

Họ đơn có lối 300 họ, không thay đổi.

Họ đôi tương-đối ít, dễ nhận được, như : Đặng-Trần, Nguyễn-Huỳnh, Bùi-Lê, Nguyễn-Trần, Đặng-Vũ...

Họ kép thì nhiều, lại khó nhận, vì không biết tiếng thứ nhì là tiếng họ kép hay tiếng lót : Nguyễn-phước, Nguyễn-hữu, Nguyễn-đình, Nguyễn-tấn, Nguyễn-ngọc, Nguyễn-cao, Nguyễn-duy, Nguyễn-thế, Nguyễn-khắc, Nguyễn-thọ...

Giữa họ và tên, người ta dùng tiếng lót hoặc để phân-biệt nam (văn), nữ (thị), hoặc để dùng chỉ chi-phái : mạnh, trọng, quý, thúc, bá...

Khi đặt tên con, người ta lựa mỹ-danh có ý-nghĩa tốt đẹp, thường là từ-ngữ hai tiếng. Có khi chọn từ-ngữ có ý-nghĩa tốt đẹp như : anh-hùng, bạt-tụy, thành-công, đắc-thắng... mà bỏ tiếng « văn » là tiếng lót. Có khi mượn tiếng lót, hoặc tiếng thứ nhì của họ kép mà đặt tên được thành : Văn-minh, Văn-nhã, Văn-hiến, Hữu-nghị, Tấn-phát, Duy-tân, Cao-kiến, Minh-châu... Thành thử, Nguyễn văn Văn-Minh, còn Nguyễn Văn-Minh, Lê-hữu Hữu-Nghị, còn Lê Hữu-Nghị, tiếng lót hoặc họ kép bị hỗn-hợp vào tên.

Lựa tên tốt cho con là Văn-Minh, Văn-Hiến, Văn-Nhã, nhưng vì văn thường là tiếng lót. Thành ra người ta không để ý đến mỹ-danh ấy lại cho là Lê văn Minh, Lê văn Hiến, Lê văn Nhã, rồi theo tiếng chót mà gọi tên là Minh, Hiến, Nhã.

Vậy Văn khi là chữ lót thì viết thường : văn và không gạch-nối với tên : Lê văn Minh ; khi hỗn-hợp thành mỹ-danh thì lại viết hoa và có gạch-nối : Lê Văn-Minh.

Trường-hợp họ kép hỗn-hợp với tên thì lại rắc-rối : họ kép Nguyễn-hữu và tên là Hữu-Nghị ; không biết phải viết Nguyễn hữu Nghị hay là Nguyễn Hữu-Nghị.

Trường-hợp tiếng chi, trong Hán-văn nó không có nghĩa gì ; nó chỉ giúp cho tiếng đứng trước được lọn ý và xuôi tai mà thôi : Quán-chi, Đĩnh-chi, Đổng-chi, Hiệt-chi ; đúng ra nó như là tiếng lót, nhưng đứng ở sau, thay vì ở giữa ; vì thế, nó viết không hoa và có gạch-nối. Nếu theo lối của Công-báo Việt-Nam, không dùng gạch-nối và viết hoa tiếng thứ ba, thì tiếng Chi viết hoa, mấy tiếng quán, đĩnh, đổng, hiệt viết không hoa và rời ra, nghĩa là trở thành tiếng lót.

Như vậy phải tùy nghĩa mà dùng hay bỏ gạch-nối, viết hoa hay viết thường.

Lối viết có gạch-nối mà chữ thứ nhì không hoa như : Nguyễn-đình-Chiểu, Phan-bội-Châu... thì chữ thứ nhì kể như tiếng lót hết, không còn giữ tánh-cách họ kép Nguyễn-đình hay tên kép Bội-Châu (đeo ngọc) nữa.

Tóm lại, chủ-trương viết rời, theo họ kép tên kép mà viết hoa hay không, rất hợp-lý khi ta biết rõ chắc chắn mỗi danh-nhân nhưng trở nên khó-khăn, khi tiếng lót hỗn-hợp vào tên thành tên kép hoặc tiếng đầu của tên kép bị hỗn-hợp vào họ thành họ kép, lúc ấy, gạch-nối đã bị đổi chỗ, và cách viết hoa hay viết thường cũng bị đảo lộn.

Chủ-trương viết có gạch-nối, vì nhóm tiếng ấy chỉ riêng một người, và viết hoa tất cả, vì là đặc-danh, phải tôn-trọng tên riêng của mỗi người, chủ-trương nầy tuy không hoàn-toàn hợp-lý, nhưng giữ được tánh-cách nhứt-trí. Họ đôi, họ kép hoặc tên kép, tuy không được phân-biệt rõ-ràng, chớ không hẳn bị sai-lầm. Với chủ-trương viết rời, mà mình không biết rõ tên người ấy, nhè tên kép lại sắp vào họ kép, thì sự sai-lầm sẽ hiển-nhiên.

Ta lại còn có tên tự, biệt-hiệu, bút-hiệu... tên thụy và niên-hiệu mỗi triều-đại : Sào-Nam, Tản-Đà, Sĩ-Tải, Lệ-Thần, Ưu-Thiên, Thái-Tổ, Gia-Long, Minh-Mạng...

Có người chủ-trương viết chữ đầu hoa và có gạch-nối : Sĩ-tải, Lệ-thần, Gia-long, Minh-mạng... Có người viết hoa hết, vì cho là đặc-danh, nhứt là niên-hiệu, khi xưa lại càng phải tôn-huý. Ông Léopold Cadière, trong bài Tableau chronologique des dynasties annamites, cũng viết hoa hết : Nguyễn Phúc-Khoát, Thế-Tôn, Hiếu-Võ Hoàng-Đế...

Qua những nhận-xét trên, để tiện việc nhứt-trí lối viết, chúng tôi thấy nên dùng gạch-nối giữa nhóm họ và tên để chỉ một người, và nên viết hoa tất cả, luôn về biệt-hiệu, niên-hiệu để tôn-huý, đúng theo phong-tục Việt-Nam :

Sào-Nam Phan-Bội-Châu, Sĩ-Tải Trương-Vĩnh-Ký, Tiên-Điền Nguyễn-Du, Gia-Long, Minh-Mạng...

Riêng giữa họ và biệt-hiệu và niên-hiệu, không dùng gạch-nối :

Phan Sào-Nam, Nguyễn Tiên-Điền, Lý Thái-Tổ, Lê Chiêu-Thống.

Trên đây là ý-kiến của chúng tôi, dám mong được lãnh ý quí vị học-giả cao-minh. (1)

LÊ-NGỌC-TRỤ
7/6/69
Nội san Danh-từ chuyên-môn 2, 5.1970

Một bài văn-tế có tính-cách sử-liệu / Lê-Ngọc-Trụ

Dưới đây là bài « Văn-tế vong-hồn mộ nghĩa » trích trong quyển « Gia lễ. Dọn bốn lễ đầu cùng lễ phép học trò công tư thông-dụng » (1) của Hoàng-Tịnh Paulus Của, Đốc-phủ-sứ, trang 28 và 29.

Trên bài văn-tế có dẫn một câu Hán-văn :

« Tự-Đức thập tứ niên, thập nhứt ngoạt, thập ngữ nhựt chi dạ, Thống quản (Bùi-Quang-Mỗ) suất tương nghĩa-binh tựu Cần-Giuộc công phá dương-huyện, thiêu đắc dương di đạo đường, đạo-quán, thích trúng dương quan tri huyện, tịnh Chà-và Ma-ní đẳng. Nghĩa-binh trận vong, cai thập ngũ danh. Kỳ Tú-tài Nguyễn-Đình-Chiểu phụ tế văn ».

Đại ý nghĩa là : « Đêm rằm tháng mười một, năm Tự-Đức thứ 14 (tức là đêm 16 tháng 12 năm 1861 dương-lịch) Thống quản (Bùi-Quang-Mỗ) đốc-suất dẫn nghĩa-binh tựu tại Cần-Giuộc đánh phá « huyện của Tây », đốt được nhà thờ nhà giảng của chúng, đâm trúng « tri huyện Pháp » cùng với một số lính Chà-và và Ma-ní.

« Nghĩa-binh chết trận gồm mười lăm người. Nhờ Tú-tài Nguyễn-Đình-Chiểu làm bài văn phụ tế ».

Bài văn-tế này là một tài-liệu lịch-sử giúp ta hiểu thời-cuộc đã xẩy ra lúc bấy giờ mà tài-liệu của sách Pháp chỉ ghi tóm-tắt, đồng thời cũng nêu một nghi-vấn về thời-giờ xẩy ra cuộc tập-kích ấy.

Thêm vào nghi-vấn ấy, người sưu-tầm sử-liệu phải thắc-mắc vì lời chú-thích của học-giả Phan-Văn-Hùm và nhà sử học Lê-Thọ-Xuân.

Thật vậy, trong quyển Nỗi lòng Đồ Chiểu (do nhà xuất-bản Đỗ phương-Quế (Chợlớn) phát-hành năm 1938, nhưng bị cấm ; nhà xuất-bản Tân-Việt mới tái-bản năm 1958). Ông Phan-văn-Hùm có trích-lục một phần bài văn-tế, rút trong sách Quốc-âm thi tập của Paulus Của (Saigon 1907) và ghi lời chú như sau :

« Ngày mười ba tháng mười một năm Tân Dậu (14-12-1861) đồng thời ba nơi Cần-Giuộc, Tân-An và Gò-Công bị contre-amiral Bonard đánh ụp ».

« Trong bài văn-tế thuật rằng hai hôm sau qua đêm rằm, nghĩa-binh Việt-Nam lén đến Cần-Giuộc đánh phá trả hờn ».

Đọc đoạn chú vắn-tắt nầy, ta có thể hiểu rằng ba xứ Cần-Giuộc, Tân-An và Gò-Công trước ngày 13 tháng mười một (tức 14-12-1861) còn do quân Việt-Nam trấn giữ và bị quân-sĩ của thủy-sư đề đốc Bonard đánh úp.

Vì vậy nên mới có trận đánh « trả hờn » của nghĩa-binh hai ngày sau đó, tức là ngày rằm, nhằm 16 tháng mười hai 1861 dương-lịch.

Nhưng theo sử, sau khi chiếm-cứ Mỹ-Tho (14-4-1861) quân Pháp liền lo đặt đồn bót tại các vùng ở giữa khoảng hai sông Cửu-Long và Soai-Rạp, như Gia-Thạnh (Tân-An), Chợ Gạo (Mỹ-Tho) và Gò-Công. Vì vậy nên ông huyện Đỗ-Trình-Thoại (người Pháp viết là Huyện Toại), ông Trương-Công-Định mới đánh phá Gò-Công vào ngày 22 và 24 tháng 6 dương-lịch. Trận đầu thì Vial bị hỏa hổ Việt-quân xịt cháy một con mắt và bị đâm hai mũi giáo, ông Huyện Thoại bị chết trận ; trận sau, thiếu-tướng Lebris phải đổ bộ thêm quân tiếp-viện mới đánh lui được Trương-Công-Định ; sau vì nghĩa quân đánh phá mãi đến cuối tháng 9 dương-lịch quân Pháp mới lập được thế vững chắc ở Gò-Công. Như vậy, Gò-Công đã bị chiếm trước lâu rồi, thì Bonard sao lại còn phải « đánh úp » vào ngày 14 tháng 12 dương-lịch ? Chúng tôi rất phân-vân...

Tìm đọc đoạn tiểu-sử cụ Nguyễn-Đình-Chiểu của Ông Lê-Thọ-Xuân đăng trong số đặc-biệt « Lễ kỷ-niệm Nguyễn-Đình-Chiểu » của Nam-kỳ tuần-báo (26-6-1943), nơi trang 40, gặp được tài-liệu liên-quan đến bài văn-tế như vầy :

« ....

« Chắc-chắn là ông (Nguyễn-Đình-Chiểu) về Thanh-Ba khi Sàigòn vừa bị hạ, vì theo đạo công-văn của Gia-Định Tuần phủ Đỗ-Quang thì năm Tự-Đức thứ 14, ông đã có tại đó rồi.

« Năm nầy, ngày 13 tháng 11 annam (14-12-1861), cả ba xứ Cần-Giuộc, Tân-An, Gò-Công bị Bonard đánh úp. Hai hôm sau, nhơn đêm rằm, nghĩa-quân ba xứ nầy nhứt tề ứng khởi.

« Về trận nầy, trong « Quốc âm thi tập » Paulus Của nói nghĩa-binh chết 15 người, còn trong công-văn, Đỗ-Quang nói 27 người. Sau trận nầy Đỗ-Quang dạy Bùi-quang-Diệu điếu-tế nghĩa-quân bị « tử-trận » ; vì vậy mà có bài văn « Tế-nghĩa-sĩ Cần-Giuộc » của Đồ Chiểu.

« Bài nầy chẳng những chỉ được chạy cùng miền Cần-Giuộc mà còn bay khắp cả tỉnh trong nước do bộ Lễ ở Huế truyền đi. »

Đoạn văn ấy giúp ta thêm tài-liệu quí giá : Thống-quản không phải Bùi-Quang (Mỗ) mà là Đỗ-Quang ; Bùi-Quang-Diệu lo việc điếu-tế, nhờ cụ Đồ Chiểu làm bài văn-tế. Nhưng về chỗ mà chúng tôi phân-vân « cả ba xứ Cần-Giuộc, Tân-An, Gò-Công bị Bonard đánh úp » vào ngày 13 tháng mười một (14-12-1861) thì nhà sử học cũng viết đúng y như học-giả Phan-văn-Hùm. Chúng tôi lầm chăng ? Nhưng khi khảo-cứu các sách Pháp viết về giai-đoạn lịch-sử này, thì đại để đều y như lời của Alfred Schrenier đã dùng tài-liệu viết trong quyển Abrégé de l'histoire d'Annam, xuất-bản năm 1906. Nơi trang 224, có đoạn liên-quan đến trận « đánh úp » ấy, xin lược dịch như sau :

« Cuộc đánh úp liều-lĩnh của nghĩa-binh Việt (tức là vụ Nguyễn-Trung-trực đốt tàu Espérance tại sông Nhựt-Tảo trưa ngày 10-12-1861 dường như là triệu-chứng cho cuộc tổng tấn-công các đồn bót Pháp. Các đồn này được lịnh tích-cực giữ thế-thủ, trong khi Bonard đã rút bớt quân lính để tập trung lực-lượng lo đánh chiếm Biên-Hòa.

« Lần nầy công-tác của nghĩa-binh Việt không phải rời-rạc ; tất cả đều dường như đã tính-toán ăn rập nhau, nhứt tề đánh úp để lợi-dụng sự rút bớt quân-sĩ tại các đồn bót Pháp, từ ngày 14 đến 30 tháng mười hai năm 1861 dương-lịch, phần lớn các đồn bót đều bị đánh phá dữ-dội, nhưng tất cả quân binh công-hãm đều phải rút lui với sự tổn-thất lớn lao. Tân-An (do Avezard cai-quản), Gò-Công (do d'Arfeuille), Cần-Giuộc (do Dumont) đều bị tấn-công ngày 14 tháng mười hai; Gia-Thạnh (do Robinet và Pineau) ngày 18; Cái-Bè (do Botter và Gonon), ngày 20 và 25; Rạch Gầm (do Rolz de Couzalaz) ngày 29; Rạch Cà-Hôn (do Thouroude), ngày 30 tháng mười hai ».

« Ce coup de main des partisans annamites fut comme le prélude de l'attaque générale de presque tous les postes français, auxquels l'amiral avait envoyé des instructions pour rester strictement sur la défensive pendant qu'il allait porter toutes ses forces sur Biên-Hòa. Cette fois, il n'y eut pas de décousu dans les mouvements des annamites, tout semble aboir été combiné pour profiter de la réduction momentanée des effectifs dans l'intérieur. Du 14 au 30 Décembre 1861, la plupart des postes furent énergiquement attaqués, mais partout les assaillants durent se retirer avec de grandes pertes. Tân-An (M. Avezard), Gò-Công (M. d'Arfeuille), Cần-Guộc (M. Dumont) furent attaqués le 14 décembre ; Gia-Thạnh (MM. Robinet et Pineau) le 18 ; Cái-Bè (MM. Botter et Gonon) le 20 et 25 ; Rạch-Gầm (M. Rolz de Couzalaz) le 29 ; Rạch Cà-Hôn (M. Thouroude) le 30 ».

Theo tài-liệu này thì « cả ba xứ Tân-An, Gò-Công, Cần-Giuộc bị nghĩa-quân Việt đánh úp dữ-dội », chớ chẳng phải bị quân-sĩ của Bonard tập-kích. Mà Cần-Giuộc bị đánh ngày 14 décembre tức là 13 tháng mười một âm-lịch, lại không phù hợp với ngày giờ nêu trong bài văn-tế.

Alfred Schreiner có chép sai thời giờ của mấy nơi bị đánh phá không? Chắc là không, vì « thời giờ và mấy mơi bị tập-kích dẫn trên, Schreiner chép đúng đoạn văn Lucien de Grammont viết nơi trang 291 trong quyển Onze mois de sous-préfecture en Basse-Cochinchine, in năm 1863 tại Pháp, nghĩa là cách hai năm, sau khi xẩy ra các vụ công-hãm ấy.

Lucien de Grammont còn viết rằng Dumont bị thương tích tại Phước-Lộc (tức là Cần-Giuộc). Bài văn-tế thì ghi rằng nghĩa-quân đóng tại chùa Lão-Ngộ đánh đồn Tây-dương vào đêm rằm và « chém đặng đầu quan hai nọ ». Nhưng chắc chắn là Dumont chỉ bị thương mà thôi, vì dò theo danh-sách quân-sĩ Pháp tử trận trong năm 1861 (2) không thấy tên Dumont ; vả chăng, nơi đoạn dẫn bằng Hán-văn của bài văn-tế, nói « đâm trúng » chớ không « giết được ».

CHÚT ÍT LỊCH-SỬ...
Để hiểu cận-nhân của trận Cần-Giuộc, do đó có bài văn-tế nầy, xin tóm tắt giai-đoạn lịch-sử nước nhà trong thời ấy.

Đầu thế-kỷ XIX, đế-quốc Tây-phương chia tay nhau đi kiếm thị-trường và chiếm « thuộc địa » ở vùng Đông-Nam-Á, để bảo-đảm chắc-chắn thị-trường và tìm nguyên-liệu.

Anh gây cuộc Nha-phiến chiến-tranh với Trung-Hoa (1839), chiếm Miến-Điện (1852), và ký hiệp-ước với Xiêm (1858). Pháp lấy cớ triều-đình Huế cấm đạo Da-Tô và xử-tử linh-mục, nên bắt đầu bắn thị oai trước Cửa Hàn (25-2-1843). Và sau mấy lượt thị oai, cuối cùng quân Pháp bắn tan chiến-thuyền Việt-Nam, và Rigault de Genouilly chiếm Cửa Hàn (1-9-1858). Nhưng hơn bốn tháng sau, lại quay mũi chiến-thuyền chiếm miền Nam phì-nhiêu và được địa-thế hơn : đánh lấy cửa Cần-Giờ (11-12-1858) và hạ « Thành Gia-Định » (17-2-1859).

Kể từ quân Pháp « tanh hôi » vào miền Nam đến trận Cần-Giuộc được gần ba năm, nên trong bài văn-tế có câu :

« Mùi tinh chiên vấy-vá đã ba năm,
Ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ ! »
.

Chiếm thành Gia-Định, quân Pháp chưa đủ lực-lượng để mở rộng khu thế-lực. Trong lúc ấy, triều-đình Huế biết được tình-thế, bèn đánh phá Cửa Hàn, nên R. de Genouilly phải trở ra Đà-Nẵng (20-4-1859). Liên-quân Pháp, Tây-Ban-Nha lối 3.000 quân, phải chia ở Cửa Hàn, mà bị chết trận, và phải hiệp với quân Anh dự vào chiến-tranh Trung-quốc, nên yếu lực-lượng ở Saigon, và bị vây từ tháng tư 1859 đến tháng hai dương-lịch 1861.

Việt-quân, sau khi vị thống-lãnh Võ-Duy-Ninh tử trận, thất-thủ thành Gia-Định, bèn rút về Cây-Mai và Kiểng-Phước (Chợlớn) tổ-chức lại hàng ngũ, và lần hồi bao vây quân Pháp với quân số 12.000 binh. Rất tiếc là Việt-quân không đủ lực-lượng tấn-công quân-địch, đoạt lại thành Gia-Định, để dây-dưa cho chúng có viện-binh giải vây. Quân Pháp tuy bị vây, nhưng nhờ có tàu chiến, nên làm chủ đường thủy, từ sông Saigon đến cửa biển Vũng-Tàu.

Chiến-tranh Trung-quốc kết-liễu (hiệp-ước Bắc-Kinh ngày 25-10-1860), quân Pháp được rảnh tay, trở lại thành Gia-Định. Đồng thời Thủy-sư Đô-đốc Charner được lịnh Napoléon III phái quân tiếp-viện, và tháng février 1861, đổ bộ lên Saigon.

Triều-đình Huế thấy tình-thể khẩn-trương, cử Kinh-lược Nguyễn-Tri-Phương vào điều-khiển quân tình. Trong khi ấy, quân Pháp đánh chiếm Kiểng-Phước, và đồn Cây-Mai, và từ đồn Cây-Mai, với thủy quân yểm-trợ, tấn công và hạ đồn Chí-Hòa (25-2-1861), và tiện đường, hạ đồn Thuận-Kiều, Hốc-Môn, Rạch-Tra... Kinh-lược Nguyễn-Tri-Phương bị thương phải về Phan-Rí điều-trị ; quan quân lui về cố-thủ Biên-Hòa. Chiến tranh tàn-khốc, dân-chúng lo âu và trông ngóng tin-tức của triều-đình :

« Tiếng phong hạc phập-phồng hơn mười tháng,
(kể từ trận Chí-Hòa đến cuộc tập-kích Cần-Giuộc).

« Trông tin quan như trời hạn trông mưa.
Charner sau khi thắng trận Chí-Hòa, thấy chưa thể quản-suất được Nam-Kỳ, vì còn năm tỉnh ở trong tay quan quân Việt, nên dự-định tấn-công Định-Tường và Biên-Hòa, để làm chủ ba tỉnh miền Đông, hầu cắt đứt liên-lạc giữa triều-đình Huế với quan quân ba tỉnh miền Tây.

Về chiến-lược quân-sự, lo mở rộng khu thế-lực ; dưới sông, tàu thuyền chạy đi do thám các sông rạch. Page chỉ-huy đoàn tàu từ sông Saigon chạy ra Soai-Rạp và ngược sông Đồng-Nai. Bourdais điều-khiển vài chiếc tàu thám-thính vùng Bến-Lức Tân-An. Và sau khi chiếm được Mỹ-Tho (14-4-1861), đặt tàu chiến canh chừng ven biển gần Cap Saint-Jacques, phong-tỏa cửa sông Soai-Rạp và một nhánh sông Đồng-Nai lưu-thông với Biên-Hòa, chỉ mở đường vùng hạ-lưu sông Đồng-Nai để tiện bề giao-thông với ngoại-quốc. Cuộc nội-thương chở thổ-sản từ Mỹ-Tho lên Gia-Định, thì ghe tàu vận-tải theo con sông Rạch-Cát và rạch Bảo-Định-Hạ : thương-gia Tàu được thủ-lợi nhiều trong thời-kỳ nầy.

Tại mấy nơi ngã ba sông lớn, thì đặt đồn bót cho tàu tuần-tiễu luôn-luôn : mấy chỗ quan-trọng thì túc-trực tàu trấn giữ, như vàm sông Rạch-Cát, Bến-Lức, chỗ Bến-Lức giáp nước với Vàm-Cỏ-Tây, vàm Nhựt-Tảo, Chợ-Đệm...

« Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan,
« Ngày xem ống khói chạy đen xì, muốn ra cắn cổ...


Tại Sàigòn - Chợlớn, từ tháng Mars, quân Pháp lo sắp-đặt việc hành-chánh, đặt ra chức thống-lý để cai-trị, mở-mang đường giao-thông, đặt trạm thơ. Mở trường đào-tạo thông-ngôn, tuyển-dụng « cai tổng » coi việc hành-chánh hương-thôn, mộ quân lính trong xứ làm « thân binh » để canh gác đồn bót.

Trong tháng ba 1861, Charner đã lập bốn toán tính ma-tà....

« Sống làm chi ở lính ma-tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ ».
Về lính ma-tà, theo Vial trong quyển Les premières années de la Cochinchine (in năm 1874), thì trong trận đốt tài Espérance ở Nhựt-Tảo, có lối vài chục « thân-binh » trú đóng trên bộ, trước mặt chiếc Espérance, đều bị nghĩa-quân Việt tàn-sát hết.

Những quận huyện mà quan quân Việt bỏ trống thì họ đặt quan cai-trị, cũng tại mấy địa-điểm ấy, và trí thêm đồn bót, như Cây-Mai, Thuận-Kiều, Rạch-Tra, Trảng-Bàng... tất cả đến cuối năm 1861, là 25 đồn.

Qua tháng tư dương-lịch (1861), Charner định tấn-công Định-Tường. Tàu Pháp thám-thính các vùng Bến-Lức, Tân-An, và theo rạch Bảo-Định-Hạ, sông Vàm-Cỏ tiến lần xuống Mỹ-Tho, sau khi đã cực nhọc phá-hủy những cơ-quan phòng thủ trên sông, những « khúc hàn » do Việt quân dựng lên. Đổ bộ Trung-Lương ngày 11-4-61, Tướng Bourdais bị tử-trận tại phòng-tuyến Bảo-Định-Hạ. Quân Pháp vây hãm Mỹ-Tho và chiếm cứ ngày 14-4-61, trong khi Đô-đốc Nguyễn-Công-Nhàn bỏ thành rút lui.

Thắng Mỹ-Tho, họ lần lượt đánh chiếm luôn vùng phì-nhiêu ở khoảng giữa sông Vàm-Cỏ và Tiền-giang : Chợ-Gạo, Rạch-Gầm, Cai-Lậy, Cái-Bè (vùng Mỹ-Tho) ; Tân-An, Thuộc-Nhiêu, Gia-Thạnh, Gò-Công (vùng Tân-An) ; Cần-Giuộc, Rạch-Kiến (vùng Phước-Lộc),..

Vì phải phân-tán lực-lượng canh giữ mấy đồn bót, vả chăng bị Việt-quân không ngớt tập kích, Charner phải hoãn việc tấn-công Biên-Hòa, để lo sắp đặt việc cai-trị, cho địa vị được củng-cố.

Bên phía Việt-Nam, sau trận Chí-Hòa, quan quân rút về cố-thủ Biên-Hòa. Triều-đình cử Nguyễn-Bá-Nghi thay thế Nguyễn-Tri-Phương để điều-khiển cuộc chống Pháp. Ông đến Biên-Hòa vào lúc Mỹ-Tho thất thủ. Nhận thấy tình thế không thể thắng, ông mưu tính giảng-hòa với Pháp, nhưng đô-đốc Charner buộc phải tiếp-nhận 12 điều gắt-gao, làm cho vua Tự-Đức và triều-đình không ai ưng chịu : nghị-hòa thất-bại... Đồng thời vua Tự-Đức ban chỉ-dụ ngày mồng ba tháng ba Tân-Dậu (12-4-1861), kêu gọi dân-chúng Lục-Tỉnh đứng lên chống Pháp. Tờ chỉ-dụ đại-khái như vầy :

« Người Lang-Sa đến tại xứ Gia-Định đã đặng ba năm làm rối cho Trẫm, chúng nó triệt-hạ thành, bắn phá quân cố thủ. Bởi đó các kẻ trung-thần và trẫm đều giận quá sức, nhất là nhân-dân Nam-Kỳ là người Trẫm tưởng hết thảy đều sẵn lòng hiệp cùng binh-sĩ trẫm báo thù chung.

« Người Lang-Sa không phải đồng-loại với chúng ta, họ muốn hà-khắc chúng ta và hãm-hiếp thê-tử chúng ta. Vậy những người nào xem việc ấy là sỉ-nhục, hãy theo ta.

« Mỗi người trung-thần nghe lời trẫm khuyên, hãy giục dân chỗi dậy và lập ra các đạo-binh theo cách nầy... » (*)

Phong trào khởi-nghĩa nổi lên khắp nơi, nhứt là sau vụ thất-thủ Định-Tường, vùng Gò-Công là nơi ngoại-thích của nhà vua, bị chiếm-cứ : ông Huyện Thoại với Trương-Công-Định ở Gò-Công, ông Phủ Cậu ở Mỹ-Quý. Chịu mạng-lịnh ở Biên-Hòa và Vĩnh-Long, nghĩa-quân hoạt-động đánh phá vùng tứ giác Chợlớn, Tân-An, Mỹ-Tho, Gò-Công.

Ông Trương-Công-Định mộ quân ứng-nghĩa, một mặt đắp đập hàn sông, phá đường giao-thông, một mặt truy-nã bọn theo giặc, đi lính hoặc làm « quan » cho Pháp, nhiều vị « cải tổng » xu thời bị ám-sát. Từ tháng sáu đến tháng mười một dương-lịch, nghĩa là trong thời-kỳ chỉ-huy của Charner, nhiều trận tập-kích tiếp-diễn không ngớt khiến quân giặc phải mệt công chống đỡ, tuần tiễu đêm ngày, và khiến Charner phải ký nghị-định ngày 22-8-1861 giải-tán đồn-điền trong nông-thôn của triều-đình mà quân Pháp mới chiếm cứ làm chủ.

Trận mãnh-liệt nhứt là trận Gò-Công. Rạng ngày 22 Juin 1861, ông Huyện Đỗ-Trình-Thoại với 600 nghĩa-quân vây đánh Vial đóng căn-cứ tại một cái đình. Vial nhờ có thám-tử mật báo nên đề-phòng được ; tuy vậy y cũng bị thương và bị hỏa hổ Việt quân xịt cháy một con mắt, ông Huyện Thoại bị tử-trận.

Qua ngày 24 Juin, ông Trương-Công-Định tiếp đánh trả thù dữ-dội ; thiếu-tướng Lebris phải cho đổ-bộ thêm quân mới đánh lui được.

Tại Mỹ-Tho, ông Phủ Cậu đóng căn-cứ ở Mỹ-Quý đánh phá Cai-Lậy ngày 29-8 và ngày 15-9 dương lịch : đồn Bourdais ở Bảo-Định-Hạ bị tập-kích ngày 4-9 ; Rạch Gầm bị đánh phá ngày 30-10 và 3-11 dương-lịch...

Cuối tháng 11 dương-lịch, Phó Đô-đốc Bonard chở thêm quân tiếp-viện và thay thế Charner. Chiến-lược của ông là phải thực-hiện việc đánh chiếm Biên-Hòa và Bà-Rịa nghĩa là làm chủ ba tỉnh miền Đông để chận đường liên-lạc giữa triều-đình với quan quân ba tỉnh miền Tây, và củng-cố thế-lực của quân Pháp hầu thôn-tính trọn Nam-Kỳ. Vì vậy, ông lo rút bớt quân lính các đồn bót để chuẩn-bị tấn-công Biên-Hòa. Trước tiên, ngày 9-12-1861, phái Lespès chỉ-huy chiếc tầu Norzagaray ra chiếm đảo Côn-Nôn, vì sợ nước Anh đến giành, lấy cớ là gần Singapore.

Trong lúc ấy, Việt-quân thám thính biết được mưu-lược của Bonard nên quan quân ở Biên-Hòa lo xây đắp thêm chiến-lũy và đập hàn sông. Nghĩa-quân thì ráo-riết hoạt-động. Trưa ngày 10 tháng 12 dương-lịch, Ông Nguyễn-Trung-Trực sắp đặt mưu-kế, giả làm ghe thương-hồ, can-đảm tiến gần tàu Espérance đậu tại Nhựt-Tảo, và xuất kỳ bất ý chém giết quân giặc, đốt được tàu, quân Pháp chỉ có năm người thoát thân được (2 lính Pháp, 3 lính tagals). Quân Pháp trả thù đốt làng Nhựt-Tảo...

Chiến-công oanh-liệt nầy vang dội khắp xứ « Hỏa-hồng Nhựt-Tảo oanh thiên-địa » làm phán-khởi nghĩa-quân. Và thừa lúc quân Pháp rút bớt binh lính, Việt-quân mới đánh úp các đồn, theo như lời của Schreiner viết mà chúng rôi lược dịch ở đoạn trên.

Bởi mấy cận-nhân ấy mới có trận Cần-Giuộc và bài văn-tế của Cụ Đồ Chiểu tế « vong hồn mộ nghĩa ». Có điều khác là, như đã nói ở trước, theo sách Pháp thì trận Cần-Giuộc, (Tân-An, Gò-Công) do Việt-quân đánh úp, xảy ra ngày 14-12-1861, tức là ngày 13 tháng 11 năm Tự-Đức thứ 14, mà trong bài văn-tế lại để là đêm rằm.

Chánh rạng đông ngày 14-12-1861 ấy, Bonard xuất binh, chỉ-huy bốn đạo quân, do hai đường thủy và bộ tiến đánh Biên-Hòa : làng Gò-Công thuộc quận Thủ-Đức bị chiếm ; và sau hai ngày công-hãm khó nhọc, ngày 16 và 17-12, bị sức chống trả mãnh-liệt của Việt-quân dưới quyền chỉ-huy của Lê-Khắc-Cần, Bonard mới chiếm được Biên-Hòa.

Phải chăng việc Bonard đánh chiếm làng Gò-Công, có rạch Gò-Công, thuộc quân Thủ-Đức vào ngày 14-12-1861 khiến hai học-giả chúng ra lầm lẫn là Bonard đánh Gò-công (tỉnh-lỵ) ?

Tóm lại, theo mấy tài-liệu đã dẫn ra, chúng ta có thể hiểu như thế nầy. Việt-quân dọ biết Phó đô-đốc Bonard vừa thay thế Đô-đốc Charner, cho lịnh rút bớt quân lính các đồn để chuẩn-bị đánh chiếm Biên-Hòa hầu chận đường liên-lạc giữa triều-đình với nghĩa-quân miền Tây. Lợi-dụng việc bớt quân ấy của Pháp, Việt-quân tổ-chức cuộc tập-kích, được phấn-khởi sau vụ đốt tàu Espérance ở sông Nhựt-Tảo (10-12-1861). Thừa lúc Bonard xuất binh đi đánh Biên-Hòa hồi 5 giờ sáng ngày 14-12-1861 thì tối đêm ấy nghĩa-quân nhất tề đánh phá Tân-An, Gò-Công (sách Pháp không nói lúc ban ngày hay ban đêm vì thuật tóm lược nên ghi luôn Cần-Giuộc). Và theo lời ghi chú và lời văn trong bài văn-tế thì trận Cần-Giuộc có thể xảy vào đêm rằm tháng 11 năm Tân-Dậu (16-12-1861), cũng như trận Gia-Thạnh ngày 18-12...

Có điều việc điếu-tế không biết cử hành tại đâu và vào ngày nào ?

VĂN-TẾ VONG HỒN MỘ NGHĨA
Tự Đức thập-tứ niên, thập nhứt ngoạt, thập ngũ nhựt chi dạ. Thống quản (Bùi Quang Mỗ) suất tương nghĩa-binh tựu Cần Giuộc công phá dương huyện, thiêu đắc dương di đạo đường, đạo quán, thích trúng dương quan tri huyện, tịnh Chà-và Ma-ní đẳng ; nghĩa binh trận vong, cai thập ngũ danh. Kỳ Tú-Tài Nguyễn-Đình-Chiểu phụ tế văn :

1.- Súng giặt đất rền, Lòng dân trời tỏ :
2.- Mười năm công vỡ ruộng, xưa ắt còn, danh nổi như phao.
Một trận nghĩa đánh Tây, tuy là mất, tiếng vang như mõ (a)
3.- Nhớ linh xưa !
Cui cút làm ăn, Riêng lo nghèo khó.
4.- Chưa quen cung ngựa, đua tới trường nhung (1),
Chỉ biết ruộng trâu, ở theo làng hộ.
5.- Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn làm quen ;
Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.
6.- Tiếng phong hạc (2) phập-phồng (2) hơn mười tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa ;
Mùi tinh chiên vấy-vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ.
7.- Bữa thấy bòng bong (3) che trắng lốp, muốn tới ăn gan ;
Ngày xem ống khói chạy đen xì (b), muốn ra cắn cổ.
8.- Một mối xa thơ 94) đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu ;
Hai vầng Nhựt nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó.
9.- Nào đợi ai đòi ai bắt ; phen nầy xin ra sức đoạn kình.
Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc (c) ra tay bộ hổ.
10.- Khá thương thay !
Vốn chẳng phải quân cơ (d) quân vệ, theo dòng (đ) ở lính diễn binh,
Chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ (e)
11.- Mười tám ban võ-nghệ, nào đợi tập rèn (g) ;
Chín chục trận binh thơ, không chờ bày-bố (h) ;
12.- Ngoài cật có (i) một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bao ngòi (5) ;
Trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu nón gõ.
13.- Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia,
Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém đặng (k) đầu quan hai nọ.
14.- Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không.
Nào sợ người (k') Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.
15.- Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho ma-tà, ma-ní hồn kinh ;
Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng, súng nổ.
16.- Những lăm lòng nghĩa sau dùng (l), đâu biết xác phàm vội bỏ,
17.- Một chắc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay yên ngựa chở thây (m);
Trăm năm âm phủ ấy chữ quy, nào đợi gươm hùm treo mộ.
18.- Đoái sông Cần-Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng ;
Nhìn chợ Trường-Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ.
19.- Chẳng phải án cướp án gian (n) đày tới, mà vi binh đánh giặc cho cam tâm ;
Vốn không giữ thành, giữ bảo (o) bỏ đi, mà hiệu lực (6) theo quân cho đáng số.
20.- Những nghĩ rằng :
Tấc đấc ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta,
Bát cơm manh áo của (p) đời, mắc mớ chi ông cha nó.
21.- Vì ai khiến quan quân khó nhọc, ăn tuyết nằm sương ;
Vì ai xui đồn-lũy tan-tành, xiêu mưa ngã gió.
22.- Sống làm chi theo quân khác loại (q), quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn.
Sống làm chi ở lính ma-tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.
23.- Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ-phụ cùng vinh ;
Chẳng thà hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man-di rất khổ.
24.- Ôi thôi thôi !
Chùa Lão Ngộ (7) (r) năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm.
Đồn Tây-dương một khắc đặng trả hờn (s), tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.
25.- Đau-đớn bấy mẹ già trông con trẻ (t), ngọn đèn khuya leo-lét trong lều ;
Não-nồng thay vợ yếu chạy tìm chồng, con bóng xế dật-dờ trước ngõ.
26.- Ôi !
Một trận khói tan, ngàn năm tiết rõ (u),
27.- Binh tướng nó hãy đóng sông Bến-Nghé, làm cho bốn phía mây đen.
Ông cha ta còn ở đất Đồng-Nai, ai cứu đặng một phương con đỏ.
28.- Thác mà trả nước non rồi nợ (v), danh thơm đồn sáu tỉnh, chúng đều khen ;
Thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng hay trải muôn đời, ai cũng mộ.
29.- Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc (x), linh-hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia ;
Sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã đành-rành, một chữ ấm đủ đền công (z) đó.
30.- Nước mắt anh-hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân (8)
Cây hương nghĩa sĩ thắp thêm thơm, cám bởi một câu vương thổ.
Hỡi ôi !
Có linh xin hưởng.


----------------------

(*) Trích một đoạn bản dịch của Nguyễn-Bảo-Hóa, Nam bộ chiến sử (Saigon, Lửa Sống 1949), tr. 97.
a) Có bản chép : Mấy năm công vỡ ruộng, ở đất Vua sống chẳng quên ơn. - Một trận nghĩa đánh Tây, đền nợ nước thác coi như ngủ.
b) Có bản chép : Đêm đêm thấy bòng bong che trắng lốt... Ngày ngày xem ống khói chạy đen xì...
c) Có bản chép : quyết.
d) Có bản chép : Nào phải thiệt quân cơ
đ) Có bản chép : theo vòng
e) Có bản chép : Gốc thật ròng là dân ấp, dân lân, ra ứng nghĩa làm quân chiêu mộ.
g) Có bản chép : chưa kịp tập rèn
h) Có bản chép : Mấy mươi trận binh thơ, khôn chờ bày-bố.
i) Có bản chép : Ngoài cật che một manh...
k) Có bản chép : cũng chém rớt đầu...
k') Có bản chép : Nào sợ thằng Tây
l) Có bản chép : lòng nghĩa lâu dùng.
m) Có bản chép : da ngựa bọc thây.
n) Có bản chép : Chẳng phải ăn cướp, ăn gian...
o) Có bản chép : giữ thành, giữ lũy.
p) Có bản chép : manh áo ở đời.
q) Có bản chép : theo quân tả đạo.
r) Có bản chép : chùa Tân-Thạnh
s) Có bản chép : Đồn Lang-sa một phút đặng trả hờn, chúng phận bạc...
t) Có bản chép : mẹ già ngồi khóc trẻ
u) Có bản chép : ngàn năm tiết rỡ
v) Có bản chép : Thác mà nước non rồi nợ
x) Có bản chép : Còn đánh giặc, mất cũng đánh giặc,
z) Có bản chép : đền ơn đó.

(1) trường nhung : chỗ đánh giặc, chiến-trường.
(2) tiếng phong hạc : « Phong hạc » do câu « phong thanh hạc lệ » là « tiếng gió thổi, tiếng hạc kêu », dùng chỉ khi có điều gì nghi sợ thái quá, nghe tiếng gì cũng phập-phồng. Lấy tích : « quân của Phù-Kiên đời Tấn liệt binh trăm vạn ở sông Phì-Thủy. Tạ-Huyền bèn đem tám ngàn quân vượt qua sông ; quân của Phù-Kiên vỡ chạy, quăng bỏ khí giáp chạy trốn, ban đêm nghe « tiếng gió thổi, tiếng hạc kêu » đều ngỡ là quân giặc đuổi theo.
(3) bòng bong : vải hoặc đệm buồm may che nắng ; đây là nhà lều bằng bố của lính Pháp.
(4) xa thơ : « xe và sách » do câu « Kim thiên hạ xa đồng quỹ, thư đồng-văn » (ngày nay trong thiên-hạ, xe cùng một thứ trục, một cách thức, sách cùng một thứ chữ). Ý nói đất nước được « nhứt thống » thạnh-vượng, đâu phải khổ-khắc như đời Tần-thủy-Hoàng, mà chịu để cho Lưu-Bang chém rắn đuổi hươu (nhà Tần).
(5) Bao tấu, bầu ngòi : bao đựng mã tấu, dao tu của lính, bầu đựng ngòi thuốc súng, vì phía bên Việt quân dùng súng « hỏa-mai » bắn « hỏa hổ ».
(6) Hiệu-lực : vì có tội, phải tòng quân mà chuộc tội.
(7) Chùa Lão Ngộ là ngôi chùa ở trên đường Mỹ-Lộc từ Cần-Giuộc qua Rạch-Kiến.
(8) Thiên dân là nhân-dân, dân đen.

Xuân CANH-TÝ (1960)
LÊ-NGỌC-TRỤ
(sao lục và giải-thích)
Đồng-Nai văn-tập 7, 1.8.1966

Chú thích:
(1) Sách in tại Saigon, Bản in Nhà hàng Rey et Curiol, 1866, tr. 28-29.
(2) Xem Leopold Pallu de la Barrière :
Histoire de l'Expedition de Cochinchine en 1861. Paris, Berger, Levrault 1888, tr. 305-362.

Giải đáp thắc mắc bạn đọc (Văn 64) / Lê-Ngọc-Trụ

* Bạn Tam-Ích, nhà văn, Sài-gòn hỏi :

1) Theo sách vở thì Lữ-Bất-Vi đời Chiến-quốc giao cho tân-khách của ông ta soạn bộ Lã (Lữ) Thị Xuân-Thu ; về sau khi các nhà tri thức trong hàng tân-khách của họ Lữ soạn xong thì Bất-Vi tuyên bố sẽ thưởng ngàn vàng cho ai sửa được một chữ - nghĩa là cứ mỗi chữ sửa được là một ngàn, hai chữ hai ngàn... v.v.

Vậy bộ sách ấy vào thời nhà Tần, đã gây những trường-hợp nào lý-thú trong văn-học ? (Chẳng hạn như có ai chữa được chữ nào không ?). Từ thời ấy đến hiện-đại, bộ sách ấy gặp những biến-cố gì ? Hiện thời nó ở đâu và trở nên sách gì với cái tên gì... Một bộ sách mà một chữ đáng một ngàn vàng hẳn là không thể một sớm mai một, kể cả là nó trở nên « hủ » đối với hiện-đại... không để lại một dấu vết gì.

TRẢ LỜI :

Có hai thoại về bộ Lã (Lữ) thị Xuân-Thu : thoại thứ nhất nói bộ sách soạn hồi Lữ Bất-Vi làm tướng quốc nước Tần ; thoại thứ nhì, nói sách soạn hồi lúc Bất-Vi sang Thục.

1- Sử chép Lữ Bất-Vi liệt truyện :

« Nhằm lúc thái tử Chính được lập làm vua, Lữ Bất-Vi, một đại thương gia ở đất Dương-địch (tỉnh Hà-nam), được tôn làm tướng quốc và hiệu xưng Trọng-Phủ.

« Thời bấy giờ, nước Ngụy có Tín-Lăng-Quân, nước Sở có Xuân-Thân-Quân, nước Triệu có Bình-Nguyên-Quân, nước Tề có Mạnh-Thường-Quân đều là người biết hạ mình kính trọng kẻ sĩ để tranh tân khách trong thiên hạ về với mình, Lữ Bất-Vi thấy nước Tần lớn, mạnh mà thua các nước khác thì lấy làm hổ thẹn nên cũng nhiệt tâm đón rước tân khách các nước về Tần có tới ba ngàn người.

« Những tay có tài biện thuyết nổi tiếng khắp chư hầu hồi đó rất nhiều, như bọn ông Tuân-Khanh làm sách tung ra khắp thiên hạ, khiến họ Lữ phải thúc đẩy bọn tân khách của mình, ai nấy cùng gom góp sở văn, sở kiến làm thành một bộ gồm 26 quyển, chia làm 3 phần : « Bát lãm », « Lục luận », « Thập nhị kỷ » tất cả 160 thiên, trên 20 vạn lời, bao hàm các việc cổ kim muôn vật trong trời đất, và mạng danh là Lã (Lữ) thị Xuân-Thu.

« Khi sách soạn xong, đem bày ra ngoài cửa thành Hàm-dương cho thiên hạ xem, trên sách có treo ngàn lượng vàng, mời chư hầu du sĩ tân khách, hễ ai có thể thêm bớt được một chữ thì trao tặng số vàng ấy. Thời bấy giờ, chẳng có ai có thể thêm bớt được. »

Cao-Dụ đời Hán chú giải và huần hỗ bộ sách nầy, cho rằng : « Không phải là không có ai có thể sửa nổi, chẳng qua là người thời bấy giờ ai cũng sợ cái thế (của Bất-Vi) mà thôi. Xét như việc ngày trước, bài luận của Trương-Hầu được đời quý trọng, tập chú thích Ngữ-Kinh của Thôi-Hạo được các học giả chuộng ưa, cái thế của hai người ấy còn khiến cho sách được lưu truyền đến như thế, huống chi kẻ có quyền vị tột bực như Lữ Bất-Vi thì các học giả đâu dám nghịch ý gã mà nghĩ đến chuyện sửa chữa câu sách làm gì ? »

2- Thoại thứ nhì, theo Thái-Sử-công tự tựa, và sách Hán-thư, Tư-Mã-Thiên truyện, thì Lã-thị Xuân-Thu (cũng gọi Lã-lãm) làm ra vào thời kỳ Bất-Vi thiên sang đất Thục (Bất-Vi thiên Thục thế truyền Lã-lãm)

Thoại nầy, Phương-Hiếu-Nhu, đời Minh đả kích, cho lời chép của Thái-Sử-công là sai. Ông viết : « Sách Lã-thị Xuân-Thu có 12 « kỷ », 8 « lãm », 6 « luận », gồm 160 thiên. Đây là cuốn sách của Lữ Bất-Vi, khi làm tướng quốc nước Tần, khiến bọn tân khách làm ra. Thái-Sử-công lại chép rằng : « Bất-Vi khi sang đất Thục làm ra sách Lã-lãm ». Ôi ! Bất-Vi vì bị nghi phải bỏ nước Tần mà đi được hơn một năm, sợ tội, phải uống thuốc độc tự tử, thì làm gì có tân khách, và còn thì giờ đâu mà soạn sách ! Hơn nữa, Sử lại chép : « Bất-Vi khi soạn sách xong có bày ra ngoài cửa thành Hàm-dương cho thiên hạ xem, và treo trên đó ngàn vàng để thưởng cho người nào thêm bớt được một chữ », thì Bất-Vi lúc này đã sang Thục, còn bày sách làm sao được ở thành Hàm-dương. Lấy đó mà suy, sách nầy tất phải làm ra từ hồi Bất-Vi còn là tướng quốc nước Tần, mà Thái-Sử-công đã chép sai là làm vào hồi Bất-Vi bị thiên sang Thục. »

- Về số quyển của bộ sách nầy thì phần lớn những kinh tịch đều ghi : 26 quyển ; bộ Trực trai thư lục giải đề tạp gia loại ghi tới 36 quyển, còn bộ Văn-hiến thông khảo, Kinh tịch tạp gia loại lại ghi có 20 quyển.

Tóm lại, Lã-thị Xuân-thu, cũng gọi Lã-lãm gồm 26 (hai mươi sáu) quyển. Theo tựa sách cổ đề là Lữ (Lã) Bất-Vi đời Tần soạn. Nhưng thật ra, do Bất-Vi sai các tân khách của ông làm ra, khoảng năm thứ tám đời Tần-Thỉ-Hoàng (239 trước Chúa Giáng-sinh). Sách phân làm ba phần : Thập nhị kỷ (63 thiên), Bát lãm (61 thiên), và Lục luận (63 thiên), tất cả 160 thiên, gồm hơn 20 vạn lời. Đại để lấy thuyết nho gia làm chủ yếu, và tham dẫn đạo gia, Mặc-gia nên phần lớn dẫn văn trong Lục tịch, bao hàm các việc cổ kim muôn vật trong trời đất. Tự đời Hán về sau, chỉ có Cao-Dụ chú giải, huấn hỗ giản chất và biện bác bộ sách nầy.

Tứ Khố toàn thư sắp bộ Lã-thị Xuân-thu vào loại Tạp gia của Tử-bộ. Hiện nay, tại Thư-viện Quốc-gia có bộ Lã-thị Xuân-thu, in chung cùng với mấy bộ khác trong cuốn Tử bộ của Tứ-bộ bị-yếu (Thượng-hải, Trung-hoa thư cuộc cứ Bình-Tân-quán hiệu san).

Nhân tiện, xin đính chính lời chú thích của ông bạn Tam-Ích ở trên : « nghĩa là cứ mỗi chữ sửa được là một ngàn, hai chữ hai ngàn... » Nguyên câu Hán-văn là : « bố (hoặc bộc) Hàm-dương thị môn, huyền thiên kim kỳ thượng, diên chư hầu du sĩ tân khách hữu năng tăng tổn nhất tự giả dữ thiên kim » (bày (bộ sách) nơi cửa thành Hàm-dương, treo ngàn vàng trên ấy, mời các chư hầu du sĩ tân khách ai có thể thêm bớt một chữ thì trao tặng ngàn vàng ấy). Ý nói, hễ ai có thể sửa được, dầu chỉ thêm hay bớt một chữ thì được lãnh ngàn vàng, treo trên bộ sách, chớ chẳng phải « cứ mỗi chữ sửa được là một ngàn, hai chữ hai ngàn... »


HỎI :

b) Xin cho biết một số sự kiện về bộ Tứ-khố toàn-thư của văn học Trung-hoa.

TRẢ LỜI :

Về bộ Tứ-khố toàn thư, xin chép ra đây bài « Lịch-sử một pho sách khổng lồ trên thế giới » của VIÊN-GIÀ trích dịch theo Trung-quốc văn-học-sử của Hồ-Hoài-Thâm, đăng trong Đại-Việt tạp-chí, số 3, ngày 1-11-1942, tr. 35-37.

« ... Bộ sách nầy làm về đời Càn-long nhà Thanh, sách vở xưa nay, gom góp hầu hết. Trọn bộ kể có 36.275 cuốn, chép ra gồm 7 bộ, dùng 1.500 người viết, trải 13 năm mới cáo thành.

« Hiện nay, trong 7 bộ đó, chỉ còn có 3 bộ rưỡi, gần đây lại chia tặng cho nước Pháp một bộ ; thế là trong toàn thế giới còn có ba bộ rưỡi, mà ở nước Tàu chỉ còn hai bộ rưỡi mà thôi. Giá trị của bộ sách ấy quí đến bực nào, tưởng ai nấy cũng đã biết. Nay xin thuật đại lược nội dung ra sau nầy :

1) Số trang.- Nội dung chia ra làm Kinh, SỬ, Tử, Tập bốn loại, gồm có 36.275 cuốn, 2.290.096 trang, đóng vào 6.144 hòm.

2) Số bộ.- Loại sách chép giống nhau, 4 bộ viết trước, sau viết thêm 3 bộ, cọng thành 7 bộ.

3) Người biên tập.- Vua Càn-Long nhà Thanh sai Kỷ-Duân làm Tổng-toản soạn bộ sách ấy.

4) Người đằng tả.- Tất cả 7 bộ đều chép bằng tay, dùng 1.500 người viết, kể đến 9 năm mới xong. Trọn 7 bộ sách, chữ viết tốt và ngay ngắn, không có chỗ nào lầm lỗi sai sót hết. Sau khi sách viết xong, những người sao tả đều được bổ ra làm tri huyện, để đền công khó nhọc.

5) Thời gian làm sách.- Kể từ bắt đầu sưu tập cho đến khi cáo thành, trải một thời gian lâu đến 13 năm.

6) Chỗ để sách.- Bốn bộ xong trước, làm ra bốn cái các để chứa :
. a) Các Văn-Uyên ở trong cung Bắc-kinh ;
. b) Các Văn-Nguyên ở vườn Viên-Minh, Bắc-kinh ;
. c) Các Văn-Tân ở Nhiệt-hà ;
. d) Các Văn-Tố ở Phụng-thiên.
Sau tục thêm ba bộ, lại làm riêng ba các chưa sách nữa.
. a) Các Văn-Hối ở Đại-quan-đường, Dương-châu ;
. b) Các Văn-Tôn ở Kim-sơn-tự, Trấn-giang ;
. c) Các Văn-Lan ở Tây-hồ, Hàng-châu.

7) Sách bị tan mất sau những cơn loạn lạc.- Trọn bộ sách ở vườn Viên-Minh bị hủy vào hồi Anh-Pháp liên-quân (18-10-1860) ; hai bộ ở Dương-châu và Trấn-giang bị hủy hồi cuộc loạn họ Hồng, Dương; còn bộ ở Hàng-châu thì trong khi cuộc loạn Hồng, Dương, bị mất hết hơn nửa ; sau khi loạn yên, người ở Hàng-chau là Đinh-tùng-Sanh tìm tòi sách sót, chỉ còn có hai phần ba, tức là nửa bộ như trên đã nói : cho nên ngày nay còn lại chỉ có 3 bộ ở Bắc-kinh, Phụng-thiên, Nhiệt-hà, và nửa bộ ở Hàng-châu mà thôi. Có một lúc, vị quán trưởng Đồ-thư-quán ở Hàng-châu là Lưu-Tuân muốn phái người đến Bắc-kinh, để sao bổ những sách tản mất, cho được trọn bộ, nhưng vì hội nghị tỉnh Chiết-giang bác bỏ, nên công việc lại phải ngưng.

8) Sách tặng nước Pháp.- Dân quốc năm thứ Chín (1921) quan Tổng-lý nước Pháp trước là ông Painlevé, qua chơi nước Tàu, thay mặt cho trường Đại-học ở Paris xin chánh phủ Tàu được một bộ. Người Nhật-bổn và các học giả ở các nước khác cũng đều muốn có một bộ nhưng chưa thể được.

9) Công cuộc ấn loát khó khăn.- Chánh phủ Trung-hoa Dân-quốc nghĩ bộ sách ấy quí giá như vậy, nên định in ra 200 bộ để làm kế bảo tồn và lưu hành. Ngày một tháng Mười năm thứ Chín, ông Tổng-thống ra lịnh cho Châu-khải-Kiềm làm tổng tài về việc coi in bộ Tứ-khố toàn-thư. Dự định in thành 200 bộ, phải trải qua một thời kỳ từ năm năm đến mười năm ; nhưng hiện thời bấy giờ giấy trong toàn nước Tàu không đủ để mà in. Lúc ấy có mời Trương-cúc-Sanh là Tổng-lý Thường-vụ Ấn-thư-quán ở Thượng-hải, vào kinh thương nghị việc đó, nhưng Trương nghĩ việc ấy lớn lao quá, thư-quán ông không thể đảm nhiệm nổi...

10) Tổng mục đề yếu.- Trong khi biên soạn bộ sách ấy, Kỷ-Duân lại có biên thành Tứ-khố toàn-thư tổng-mục đề-yếu 200 cuốn, Tứ-khố toàn-thư giản-minh mục-lục 20 cuốn, đều có bản khắc và bản khắc lại. Càn-long năm thứ 58, Hồ-Kiều ở Đông-thành lại khắc 10 quyển Tứ-khố toàn-thư phụ-tồn mục-lục mà họ đã biên được, nhưng chép tên sách và tên người soạn thuật, chớ không có đề yếu. Đến Đồng-trị năm thứ Chín, Văn-Lương ở Phí-Mạc lại khắc 20 quyển Tứ-khố toàn-thư mục-lục mà họ cũng đã biên được.

11) Những sách chưa gom hết.- Sau khi Tứ khố toàn thư cáo thành rồi, Nguyễn-Nguyên lại tìm thêm được những thứ sách mà Tứ-khố toàn-thư chưa gom hết có đến 173 thứ ; phỏng theo Kỷ-Duân làm ra 5 cuốn đề yếu, để tên là Nghiên kinh đường ngoại tập, san vào trong tập Văn tuyển lâu. Đến hồi Quang-Tự, Phó-dị-Lễ lại sửa soạn lại, biên làm 4 cuốn, đổi tên là Nghiên kinh đường tiến trình thơ lục, san vào tập Thất lâm đường hiệu lục vậng hàm. Ta nên nhớ rằng lúc trào Thanh còn thịnh, lưới bủa làng văn, rất là nghiêm nhặt, phàm những trước tác của di dân nhà Minh, mà hơi có thiệp hiềm nghi, thì hoặc tiêu hủy hẳn, hoặc trích ra mà hủy bỏ. Phàm những thứ đã bị tiêu hủy đó, cố nhiên là không được chép vào Tứ-khố toàn-thư ; còn những hạng sách về loại ấy mà các tư gia đã giấu được, thì trước hồi Quang-Tự không ai dám đưa ra. Đến cuối đời Quang-Tự, mới lần lần xuất hiện, nhưng mất mát đã không biết bao nhiêu rồi. Đến nay những sách có cung cho ta khảo chứng, chỉ còn có một quyển Tiêu-hủy trừu-hủy mục-lục, một quyển Cấm-thơ mục-lục, và một quyển Vi-ngại thơ-mục là những bản khắc về hồi Càn-Long năm thứ 53, và gần đây cũng có mấy bản mới in lại. (Trích dịch theo « Trung-quốc văn-học-sử » của Hồ-hoài-Thâm).

Năm Càn-Long thứ 37 (1772) đời Thanh, vua xuống chiếu lập Tứ-khố toàn-thư quán, truyền thâu tập các loại thư tịch cổ kim trong xứ. Trải mười năm biên tập, bộ Tứ-khố Toàn-thư thứ nhất hoàn thành vào năm Nhâm-dần (1782), Càn-long thứ 47, và tàng trữ tại Văn-Uyên các trong cung Bắc-kinh. Sách chia làm bốn bộ : Kinh, Sử, Tử, Tập, nên gọi là Tứ Khố hoặc Tứ Bộ, có 3460 chủng, gồm cả thảy được 79.339 quyển.

Sáu bộ sau kế tiếp như đã nói ở trên. Để kỷ niệm ba mươi nam khai nghiệp Thương-vụ ấn-thư-quán có trình thỉnh chánh phủ (Trung-hoa), mượn bộ Tứ-khố toàn-thư tại Văn-Uyên-các để ảnh ấn. Trong số các thư tịch ấy, đã lựa chọn những văn phẩm thiết thực và ảnh ấn thành bộ Tứ-khố toàn-thư trân-bản sơ-tập gồm 231 chủng, 1960 cuốn sách cỡ 20 x 13. Bộ sơ tập nầy (231 chủng) mới chỉ là 1/15 của toàn bộ Tứ-khố toàn-thư, nên không có bộ Lã-thị Xuân-thu.

LÊ-NGỌC-TRỤ
Văn 64, 15.8.1966